Tăng xử phạt vi phạm kinh doanh phân bón: Doanh nghiệp không chấp hành sẽ rút giấy phép vĩnh viễn
(Dân trí) - Hiện nay, công suất sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ trên cả nước khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam (khoảng 10-11 triệu tấn). Chính sự dư thừa này đã dẫn tới hệ lụy phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, người dân khó lựa chọn phân bón trong sản xuất.
Ngày 20/9/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón (Nghị định 108) bao gồm công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam chính thức có hiệu lực được 1 tháng.
Để đánh giá về những hiệu quả của chính sách, sáng nay 20/10, tọa đàm “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” đã diễn ra tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Các ý kiến đều ghi nhận, những quy định mới tại Nghị định 108 (thay thế cho Nghị định số 202/2013) sẽ tác động mạnh tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nói riêng; giúp siết chặt hơn nữa việc quản lý thị trường này.
Khảo nghiệm mới được lưu hành
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hoàng Trung: “Tổng số lượng phân bón hiện nay được phép lưu hành là hơn 14.000 sản phẩm cả vô cơ và hữu cơ, cùng hàng trăm cơ sở sản xuất. Số lượng lớn như vậy, sẽ rất khó để có thể quản lý”.
“Tuy nhiên, điểm mới và đáng lưu ý của Nghị định này là đã thống nhất phương thức quản lý về 1 bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều này giúp thuận tiện, hiệu quả hơn sau này. Đồng thời, để lưu hành thì các sản phẩm phân bón phải được khảo nghiệm thực chất", ông Trung nói.
"Bộ cũng sẽ làm rất chặt việc này, để hạn chế phát triển các loại phân bón kém chất lượng trong bối cảnh dư thừa. Việc khảo nghiệm phân bón sẽ được thực hiện tại tổ chức được công nhận đủ điều kiện chuyên môn, trang thiết bị thực hiện khảo nghiệm, phải qua các lớp tập huấn thường niên”, ông Trung cho biết thêm.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, công tác khảo nghiệm trước đây chủ yếu là các doanh nghiệp tự làm, mà không có sự can thiệp của nhà nước. Thực trạng này dẫn đến việc, nhiều loại phân bón tự làm báo cáo, gian dối, để đưa ra thị trường. Đây cũng là nguyên nhân lỏng lẻo trong khảo nghiệm, dẫn đến sự phát triển dư thừa của phân bón.
Tuy nhiên, nhiều loại phân bón sẽ không cần khảo nghiệm như phân đạm, phân lân, kali, hay các kết quả nghiên cứu khoa học, các loại phân hữu cơ… Số còn lại là phân hỗn hợp (nguyên nhân tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường phân bón vừa qua), phân trung lượng, các loại phân bón mới… sẽ được khảo nghiệm chặt.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy thì: “Các quy định mới tại Nghị định 108 là công cụ hữu hiệu để hạn chế sự phát triển dư thừa của thị trường phân bón, muốn siết chặt thì đây là việc phải làm”.
“Tuy nhiên, Nghị định này không phải là “vũ khí thần tiên” để có thể dẹp ngay được nạn phân bón giả. Nghị định có mạnh đến đâu mà tổ chức không tốt, làm không tốt, còn tồn tại lợi ích nhóm, các cơ quan sản xuất vẫn gian lận thì không Nghị định nào làm được, và sự hỗn loạn của thị trường phân bón vẫn sẽ tiếp diễn”, ông Thúy nói thêm.
Tăng nặng chế tài xử phạt
Theo ông Hoàng Trung, muốn ngăn được phân giả, kém chất lượng phải làm thật nghiêm, dứt điểm những sai phạm đã qua. Tuy nhiên, ông Trung cũng thừa nhận: “Với khối lượng sản phẩm, doanh nghiệp lớn và tình trạng phân bón giả, kém chất lượng như hiện nay thì sẽ còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; hay tư tưởng dẹp được chỗ này, lại mọc chỗ khác; các chế tài xử lý cũng chưa đủ sức răn đe”.
“Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra lại các trung tâm khảo nghiệm để xem có thực hiện tốt không, năng lực như thế nào, đồng thời cũng sẽ đánh giá và nâng cao năng lực của các trung tâm này”, ông Trung cho biết thêm.
Về chế tài xử phạt với các sai phạm trong sản xuất phân bón, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang gấp rút xây dựng các chế tài. Quan điểm của Bộ là xử phạt hành chính có thể áp dụng tăng 7 lần. Ngoài ra, có thể bổ sung các biện pháp khác như thu hồi giấy chứng nhận sản xuất, thời gian 12 tháng – 24 tháng.
“Nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành nữa thì sẽ rút vĩnh viễn. Và áp dụng các hình thức bổ sung khác như lập tức đóng cửa các nhà máy. Với các loại phân bón khác như phân nhập khẩu, nếu sai phạm thì lập tức tái xuất, còn với sản xuất trong nước thì sẽ tiêu hủy, không cho sản xuất nữa”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay.
Ngoài việc siết chặt thị trường từ khâu sản xuất, nhập khẩu phân bón thì việc kiểm tra các cơ sở đang sản xuất trong nước cũng là việc cần thiết. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: “Đã kiến nghị kiểm tra làm điểm 1 quận tại Tp. Hồ Chí Minh, thì có tới 20/56 cơ sở sản xuất không có giấy phép. Thị trường phân bón Việt Nam là tự phát, công nghệ thấp và nhiều thành phần tham gia sản xuất”.
“Ngoài ra, các hệ thống trung tâm khảo nghiệm cũng rất quan trọng. Nó là hàng rào kỹ thuật về pháp lý, minh bạch với nông dân, nhà nước. Nhưng thời gian qua, nhiều trung tâm đã cấp khống lưu hành cho hàng nghìn sản phẩm, sai về kiểm tra mẫu sản phẩm, cấp phép, mà vẫn không quy trách nhiệm”, đại diện Hiệp hội cho biết.
“Vậy chúng ta cần những trung tâm đó làm gì. Do vậy rất cần một cuộc tổng kiểm tra với quy mô lớn cả nước với các cơ sở sản xuất; làm rõ hoạt động tại các trung tâm khảo nghiệm để làm cơ sở pháp lý công bằng cho việc thực hiện Nghị định 108”, đại diện Hiệp hội kiến nghị thêm.
Thế Hưng