"Tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam đều chạm đáy trong năm nay"

(Dân trí) - Đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 rất thấp đối với Việt Nam, chỉ 5,1%, chuyên gia kinh tế ANZ cũng nhận định, lạm phát năm nay sẽ được kiềm xuống 6% trước khi bật tăng lên 8% vào năm tới.

Khu vực ngân hàng vẫn là mắt xích yếu nhất của nền kinh tế (Ông 
Khu vực ngân hàng vẫn là mắt xích yếu nhất của nền kinh tế (Ông Glenn Maguire - ảnh: TL).

Cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam ngày 22/10, Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ Glenn Maguire nhận định, trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ở dưới mức tiềm năng, chỉ đạt 5,1% trước khi đạt mức 5,25% vào năm 2014.

Trước đó, tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 5,4% (thấp hơn so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 5,5%).

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đưa ra ước tính, tốc độ tăng trưởng bình quân ba năm 2011-2013 sẽ chỉ khoảng 5,6% mỗi năm và là mức thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Theo ông Glenn Maguire, dự báo tốc độ tăng trưởng 5,1% hay 5,2-5,3% đối với Việt Nam trong năm 2013 không quá chênh lệch. Tuy nhiên, so với những dự báo của các tổ chức khác, mức mà ANZ đưa ra khiêm tốn hơn. Ông Glenn cho rằng, nếu Việt Nam muốn trở lại mức tăng trưởng mạnh thì yêu cầu phải cải cách nền kinh tế, phải cải thiện đầu tư, phân bổ nguồn lực thì mới có thể phục hồi một cách mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng phụ thuộc và nhiều yếu tố khác nhau. Có thể kể đến lĩnh vực điện, một trong những động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Trong khi năng lực đáp ứng trong nước chư cao thì Việt Nam vẫn chưa có được những cơ chế và tiền để để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Và chính việc thiếu điện cũng là một mối quan ngại lớn đối với hoạt động sản xuất và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Để quay trở lại mức tiềm năng - khoảng 7% như trước đây,  ANZ cho rằng khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức này, khu vực ngân hàng vẫn là mắt xích yếu nhất của nền kinh tế. Hoạt động cho vay tiếp tục duy trì mức yếu, thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,3% tính đến hết tháng 7 so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 12%. 

Tỷ lệ nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước công bố giảm từ 4,65% vào tháng 5 xuống 4,46% vào tháng 6, nhưng một số tổ chức quốc tế lo ngại, con số này có thể cao hơn gấp đôi số liệu chính thức.

Một vấn đề mà ANZ cũng lưu tâm là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục bị rút ra trong những tháng tới, sau khi số liệu cho thấy tổng vốn đầu tư trái phiếu nước ngoài rút ra khỏi Việt Nam đã lên đến 5,1 triệu USD trong tháng 9, so với mức 7,5 triệu USD của tháng 8. 

Có mặt tại hội thảo, TS Lê Xuân Nghĩa lý giải, hoạt động rút vốn này xảy ra do tình hình kinh tế thế giới dần phục hồi, dòng vốn sẽ có xu hướng tìm đến những địa điểm an toàn hơn, đó là các quốc gia phát triển. Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới sẽ bị rút ngắn dần và ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam.

Ngoài ra, theo chuyên gia ANZ, không chỉ tăng trưởng GDP Việt Nam chạm đáy mà lạm phát cũng sẽ chạm đáy trong năm 2013 với mức 6%. Sau đó, chỉ số này sẽ bật lên 8% vào năm 2014 và 7,5% trong năm 2015.

Bích Diệp