1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm: Chưa hẳn "màu hồng"

(Dân trí) - Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm phục hồi nhưng vẫn còn nhiều dấu hiệu không thực sự bền vững như xuất khẩu tăng chậm, dòng vốn FDI không hấp thụ được, năng suất lao động thấp, hiệu quả sử dụng vốn không cao...

 

kinh-te-e8b94
Bản thân nền kinh tế Việt Nam đang có vấn đề khi xuất khẩu chậm, FDI vào Việt Nam nhưng không hấp thụ được, năng suất lao động thấp.

Báo cáo công bố tại hội thảo kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, nền kinh tế đang trong đà đi lên và có sự phục hồi rõ nét với tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm đạt 6,28%.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, dự báo quý III/2015, tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,42% và cả năm nhiều khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra (6,2%). Lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục được kiểm soát dưới 5% và tỷ trọng vốn đầu tư/GDP duy trì 30-32%.

Dù có nhiều tín hiệu khả quan, TS Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế, xã hội Quốc gia vẫn cho rằng, kinh tế Việt Nam 6 tháng đã phục hồi nhưng vẫn chỉ ở mức khá và chưa hoàn toàn rõ nét.

“Tôi phân vẫn mãi về sự ổn địn của lạm phát. Quý I lạm phát giảm do tổng cầu không tăng, quý II tổng cầu tăng nhưng cung tăng ít hơn cầu kéo theo lạm phát vẫn thấp. Cần phải đánh giá kỹ hơn vấn đề cung bởi nguồn cung ngầm lại tăng đột biến như hoa quả nhập nhiều từ Trung Quốc, thịt gà nhập của Mỹ tăng… Điều này làm cho cầu tăng không kiểm soát được, khiến người tiêu dùng có lợi nhưng nền kinh tế có vấn đề khi doanh nghiệp không bán được hàng, giá cả đầu vào cao”, ông Ân nói.

Đánh giá tổng thể, ông Đỗ Tú Anh, Trưởng ban nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của CIEM cho rằng, nếu đi sâu vào các con số sẽ thấy bản thân nền kinh tế Việt Nam đang có vấn đề khi xuất khẩu chậm, FDI vào Việt Nam nhưng không hấp thụ được, năng suất lao động thấp.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh thì nền kinh tế còn tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và khu vực FDI trong khi cải cách diễn ra rất chậm chạp, cổ phần hoá không được bao nhiêu.

TS Nguyễn Đình Cung cũng thừa nhận, nền kinh tế đang tồn tại nghịch lý với tăng trưởng GDP đang tăng lên từ mức đáy nhưng tiềm năng tăng trưởng lại đang đi xuống. Năng suất lao động và hiệu quả sử dụng nguồn lực cũng như năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn cũng còn nhiều vấn đề tồn tại

"Có một cái gì đó đang là nghịch lý trong việc đầu tư sử dụng vốn ở Việt Nam. Lẽ thường, vốn chảy sang nơi có hiệu quả sử dụng cao hơn, nhưng nước ta lại đang có xu hướng ngược lại. Vấn đề ở đây là chúng ta đang vay thị trường để về phân bổ hành chính”, ông Cung nói.

Ông Cung cũng cho rằng, bên cạnh việc “thích” đổ vốn vào những ngành kém hiệu quả, dòng vốn ở Việt Nam thường đổ vào những ngành có năng suất lao động thấp, thậm chí âm như ngân hàng, tài chính, bất động sản… Trong khi đó, năng suất lao động tăng chủ yếu do phân bổ lại, cơ cấu lại nguồn lực còn bản thân người lao động không có gì thay đổi.

Phương Dung

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm: Chưa hẳn "màu hồng" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm