Tăng lương tối thiểu, lo thất nghiệp tăng theo

(Dân trí) - Việc tăng lương tối thiểu với quy mô lớn vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế sẽ có khả năng giảm đáng kể số lượng việc làm được tạo ra, tác động tiêu cực đến tình trạng thất nghiệp - Chủ tịch VCCI lo ngại.

Trong ngày 31/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp để thảo luận mức lương tối thiểu vùng năm 2015. Có 3 phương án được đưa ra trong buổi thảo luận. Theo đó, Đại diện Tổ chức sử dụng người lao động (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đề xuất mức lương tối thiểu vùng I áp dụng từ năm 2015 là 3 triệu đồng/người/tháng. Đại diện Bộ Lao động-Thương binh- Xã hội đưa ra mức 3,05 triệu đồng/người/tháng còn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra mức 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* VN-Index tăng gần 9 điểm!

* Khi dân lành thành… “kẻ cướp”!

* Buồng ngủ mini ở Nội Bài quây bạt sau "chỉ lệnh" của Bộ trưởng Thăng

* Bộ Công thương có trách nhiệm trong vụ vỡ thủy điện Ia Krel 2

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá, người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp và việc chăm sóc cho quyền lợi của người lao động không những là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn là mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp. 

"Tôi được biết, phần lớn các doanh nhân mỗi buổi sáng thức dậy, suy nghĩ đầu tiên của họ là làm sao để duy trì sản xuất và trả lương được cho người lao động", ông Lộc nói. Theo báo cáo trong một số ngành thì tổng thi nhập trung bình hàng năm của người lao động đã cao gấp 1,5 đến 2 lần mức lương tối thiểu hiện hành
 
Vẫn biết đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, vẫn biết tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo được cuộc sống tốt cho người lao động nhưng việc tăng lương phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vừa phải trải qua những thử thách nghiệt ngã và mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi - Chủ tịch VCCI khuyến nghị.

Theo ông Lộc, vài năm trở lại đây, hàng năm có trên 60% doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (điều này cũng có nghĩa là khoản đầu tư của phần lớn các chủ doanh nghiệp đã không được “trả lương”). Và trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình tuy có sáng sủa hơn nhưng vẫn có hơn 33.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Thêm vào đó, nhiều chi phí như vận tải, xăng dầu, điện nước... đang đồng loạt tăng giá đè nặng lên vai doanh nghiệp. Việc đa dạng hóa thị trường để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc sau sự kiện biển Đông cũng đang phát sinh nhiều chi phí và cần phải có thời gian... Chính vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp. Nếu không, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng và chúng ta không có khả năng tạo thêm các cơ hội việc làm mới cho một nền kinh tế có lực lượng lao động trong độ tuổi lao động lớn như Việt Nam và mỗi năm có nhu cầu tạo thêm 1,7 đến 2 triệu việc làm để bảo đảm ổn định xã hội. 

"Khi tăng lương tối thiểu với quy mô lớn vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế sẽ có khả năng giảm đáng kể số lượng việc làm được tạo ra", ông Lộc phân tích. Hiện nay ở nước ta số lao động trong doanh nghiệp có bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 7,5 đến 8 triệu người, trong số đó số người có thu nhập xoay quanh mức lương tối thiểu chỉ khoảng 3 triệu, nhưng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam lên tới 55 – 56 triệu người. 

Vì thế cùng với việc nâng cao lương tối thiểu, phải tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động đang có việc làm, phải quan tâm để không làm mất cơ hội được gia nhập vào đội ngũ lao động trong các ngành công nghiệp của một phần không nhỏ trong số gần 50 triệu người hiện còn đang làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc nông nghiệp với năng suất thấp.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động thì Việt Nam cùng một số rất ít nước phát triển đang có mức lương thu nhập cao hơn so với năng suất tạo ra. Trong khi các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam kể cả các quốc gia có mức phát triển cao hơn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đều có mức thu nhập thấp hơn so với năng suất được tạo ra. 

Do vậy, cần cân nhắc sao cho tăng lương không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đấy đầu tư trong và ngoài nước để có thể nhắm tới mục tiêu dài hạn là kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn qua đó có điều kiện tăng lương từ thực lực doanh nghiệp.

Theo Kết luận số 23-KL/TƯ (ngày 29/5/2012) tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã yêu cầu “Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu”.

Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 được quy định ở mức 2,7 triệu đồng/tháng tại vùng I; 2,4 triệu đồng/tháng tại vùng II; tại vùng III là 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV là 1,9 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức sống tối thiểu năm 2014 tại vùng I được dự báo trên 4,1 triệu đồng/tháng, vùng II trên 3,4 triệu đồng/tháng, vùng III  trên 3 triệu đồng/tháng, và vùng IV trên 2,4 triệu đồng/tháng. 

Và như vậy, mức lương tối thiểu này mới chỉ đáp ứng được 66% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng I, 70,6% mức sống tối thiểu người lao động ở vùng II; 70% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng III và 79% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng IV.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”