1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tăng giá VLXD: Nhiều nhà thầu sẽ phá sản

(Dân trí) - Nhiều nhà thầu đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, các công trình đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, dừng thi công... Những bức xúc này được đưa ra tại Hội thảo vật liệu xây dựng (VLXD) tăng giá và nguy cơ phá sản của nhà thầu tổ chức ngày 18/3.

Giá tăng, nguy cơ làm giảm chất lượng

Trong năm vừa qua, giá nguyên vật liệu thực sự đã có những biến động ngoài dự tính của tất cả các Nhà thầu và Chủ đầu tư. Chỉ tính từ tháng 10/2007, sắt thép, xi măng, gạch, đá, cát... đều thi nhau tăng giá.

Tăng mạnh nhất là sắt thép với mức tăng xấp xỉ 55%, từ 10.500 đ/kg vọt lên 16.000 đ/kg, gạch thẻ, gạch ống với mức tăng xấp xỉ 100%, từ 500 - 550 đ/viên vọt lên 1.100 đ/viên, xi măng tăng 30.000 đ/tấn...

Với mức tăng này, giá trị thực tế công trình có dự toán được lập thời điểm giữa năm 2007 đã tăng ít nhất 20%. Đây là sự khó khăn lớn với các nhà thầu.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phương, Phó TGĐ Tổng công ty CP Vinaconex cho biết: "Mặc dù mức giá trong dự toán phê duyệt đã được dựa trên những phân tích, dự báo sự biến động của giá cả trong thời gian thi công. Nhưng với những tác động của thị trường cả trong và ngoài nước, sự biến động của giá cả đôi khi là không thể dự báo, nhất là trong một khoảng thời gian dài.

Trong khi đó, chi phí trực tiếp nguyên, vật liệu của một công trình thường chiếm từ 40-70% tổng dự toán. Do đó, sự biến động tăng giá ngoài dự tính của vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua thực sự là "cơn ác mộng" với các nhà thầu, nhất là đối với dạng hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá."

Thi công trong điều kiện các loại VLXD đồng lọat tăng giá đã khiến không ít nhà thầu "bỏ của chạy lấy người" khi việc thương lượng bù lỗ giá vật liệu xây dựng với chủ công trình bất thành. Nhưng nguy hại hơn là nguy cơ tiềm ẩn chất lượng công trình suy giảm.

Ông Nguyễn Văn Công, TGĐ Tổng Công ty CP Tu vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm định Xây dựng - Coninco khẳng định: "Với những chủ thầu vẫn tiếp tục nhận thi công thì để tránh tình trạng thua lỗ đã tìm mọi cách giảm chi phí vật liệu như giảm mác vữa xây, mác vữa bêtông, giảm số lượng thép, sử dụng những vật tư vật liệu kém chất lượng đưa vào công trình...".

Giải pháp nào cho doanh nghiệp?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh giá, tiếp đến là Bộ Xây dựng đã ra thông tư 05 hướng dẫn việc điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên vật liệu.

Nhưng theo nhiều nhà thầu, việc này để thực hiện được không đơn giản tý nào và đòi hỏi phải một thời gian dài. Lý do là vì còn phải chờ các Bộ khác hướng dẫn cụ thể, chờ thỏa thuận chuyển đổi hợp đồng, được bổ sung vốn để thanh toán, rồi lại còn cần thuyết phục các chủ đầu tư tư nhân và nước ngoài chấp nhận việc điều chỉnh giá... Nói tóm lại là rất nhiều khâu bị chi phối.

Tất cả những điều đó dẫn đến tiến độ thi công bị chậm, việc thanh toán cho nhà thầu cũng vì thế mà không thể thực hiện đúng kế hoạch, trong khi đó, phần lớn vốn thi công của nhà thầu đều có vốn vay. Một ngày trả tiền chậm cũng là một ngày thêm lãi!

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ nên cho các chủ đầu tư tạm ứng để họ tiếp tục có vốn kinh doanh và trả nợ ngân hàng. Nếu công trình có thầu phụ thì bên A nên trực tiếp tạm ứng cho cả nhà thầu phụ chứ nếu qua tay thầu chính thì chắc chắn sẽ bị giữ lại vì họ đang khát vốn.

Trong tình huống này các nhà thầu phụ và nhà cung ứng vật tư bị thiệt thòi nhất do bị nhà thầu chính chiếm dụng vốn. “Cơ chế tạm ứng này rất cấp bách, nếu không thực hiện được thì "nước xa không dập được lửa gần", e nhà thầu sớm bị phá sản trong cảnh đùn đẩy trách nhiệm của bộ máy quan liêu." - TS Liêm nói.

Theo ông Đặng Huy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, thực tế hiện nay Chính phủ chấp thuận cho điều chỉnh các hợp đồng trọn gói. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, còn nếu đúng theo kinh tế thị trường thì phải làm theo văn hoá hợp đồng và các bên bình đẳng với nhau theo hợp đồng đã ký kết.

Để làm được điều đó, ông Đông đã đề xuất một số giải pháp như: Thiết lập kênh thông tin giá nguyên vật liệu và dự báo sự thay đổi để cơ quan có thẩm quyền công bố chỉ số giá làm cơ sở cho các chủ đầu tư, nhà thầu. Minh bạch hóa các kênh thông tin về thị trường đấu thầu xây lắp, thị trường nguyên VLXD.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, hậu kiểm để tránh việc chủ đầu tư "quyền sinh, quyền sát", gây sức ép tiêu cực đối với nhà thầu trái quy định.

Để bảo vệ các nhà thầu khỏi nguy cơ phá sản, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng tỉnh Nam Định còn có ý kiến: Nên đưa vào quy định Đấu thầu khi lập hồ sơ mời thầu Chủ đầu tư ghi vào Hồ sơ mời thầu "mục trượt giá" khi ký kết hợp đồng nhà thầu và Chủ đầu tư có cơ sở để thương thảo sao cho phù hợp với quá trình thi công của dự án.

Lan Hương