1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sức hấp dẫn của Việt Nam là nguồn nhân lực

Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Nhân dịp này, ông Okuda Hiroshi, Chủ tịch Nippon Keidanren đã có cuộc trao đổi chung quanh các vấn đề kinh tế giữa hai nước.

Ông có cảm nhận gì trong chuyến thăm Việt Nam lần này, thưa ông?

Việt Nam là địa điểm đầu tư hết sức hấp dẫn không chỉ đối với nhà đầu tư Nhật Bản mà cả các nhà đầu tư thế giới. Qua cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Việt Nam, tôi nhận thấy họ đang quyết tâm rất lớn để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng, Việt Nam không chỉ là một cứ điểm sản xuất mà còn là thị trường có tiềm năng rất lớn. Tôi nhận thấy trong tương lai Việt Nam sẽ là trọng tâm tăng trưởng kinh tế không phải chỉ trong khu vực ASEAN mà cả khu vực châu Á.

Chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam lần này của ông cũng là chuyến thăm chính thức cuối cùng với tư cách là Chủ tịch Keidanren, ông nghĩ như thế nào trong việc tổ chức chuyến thăm này?

Tôi chọn Việt Nam làm nơi đến trong chuyến đi chính thức cuối cùng trước khi tôi rời khỏi chức vụ này bởi lẽ cách đây 20 năm tôi đã thường quan tâm tới Việt Nam, nhất là quan tâm tới nguồn nhân lực của Việt Nam. Tôi cho rằng, người Việt Nam rất thông minh, và cần mẫn. Vì vậy ngay từ 20 năm trước, tôi đã cho rằng Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Như chúng ta đã thấy, hiện nay sự phát triển kinh tế của Việt Nam là rất tốt đẹp. Và qua trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam tôi càng tin chắc vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam và cho rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ chiếm vị thế hết sức quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Mặc dù hạ tầng cơ sở, xã hội của Việt Nam vẫn còn chỗ cần phải cải thiện hơn nữa.

Tuy nhiên, tôi thấy đối với các nhà đầu tư, sức hấp dẫn lớn nhất của Việt Nam vẫn là nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ. Nguồn nhân lực này sẽ góp phần cho sự tăng trưởng kinh tế, là động lực chủ yếu thúc đẩy các ngành kinh tế. Thực tế cho đến nay, nguồn nhân lực này đã có tác động to lớn và trong tương lai cũng sẽ tiếp tục phát huy.

Tại tỉnh Đồng Nai, hiện đang có một số tranh chấp lao động xảy ra trong các doanh nghiệp của Nhật Bản. Ông có nghĩ rằng những tranh chấp lao động này sẽ là trở ngại cho sự đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản hay không?

Tôi nghĩ rằng giới chủ cũng như giới thợ cần ngồi lại với nhau để thảo luận và giải quyết vấn đề cho tốt đẹp. Đồng thời tôi cũng mong Nhà nước có sự can thiệp tốt để sớm giải quyết vấn đề, vì đây là một điều hết sức quan trọng. Đến nay, tôi cũng lạc quan cho rằng vấn đề sẽ được giải quyết ổn thoả.

Đương nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, nước nào cũng gặp và phải giải quyết những vấn đề về tranh chấp lao động. Ở Nhật Bản những vấn đề này đã từng xảy ra trong thập niên 50-60, thời điểm có tốc độ kinh tế phát triển rất nhanh.

Tôi cho rằng những tranh chấp đó xảy ra là một tất yếu khách quan. Chỉ có điều, khi xảy ra rồi, các bên cần ngồi lại bàn với nhau phương án giải quyết để sau này tạo được quan hệ tốt hơn giữa giới chủ và thợ. Tôi cũng được các nhà lãnh đạo Việt Nam cho biết là họ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và sẽ cố gắng để giải quyết vấn đề cho tốt.

Tôi cho rằng các diễn biến lần này không có ảnh hưởng gì xấu đối với khuynh hướng đầu tư trong tương lai.

Cuối năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu đã sang thăm Nhật Bản và có cuộc tiếp xúc với Keidanren, đồng thời đưa ra một danh sách các dự án kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó đặc biệt chú trọng đến ngành công nghệ cao. Keidanren đã đặc biệt quan tâm đến dự án nào do phía Việt Nam đưa ra?

Bản danh sách ông Võ Hồng Phúc đưa ra có đề nghị các lĩnh vực kêu gọi đầu tư nhưng không nêu địa điểm và dự án cụ thể. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ cao là lĩnh vực mà nhiều nhà doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang quan tâm. Vì họ biết rằng Việt Nam đang có nguồn nhân lực rất tốt có thể đáp ứng đầu vào cho lĩnh vực này.

Ông bình luận gì khi có ý kiến cho rằng các công ty Nhật Bản đang thao túng thị trường ôtô tại Việt Nam, đặc biệt với tư cách là Chủ tịch của Hãng Toyota? Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm và linh kiện ôtô và xe máy ở Việt Nam rất thấp. Phải chăng chính sách của Nhật Bản là lợi dụng nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam để gia công các sản phẩm cho Nhật Bản và Nhật Bản không muốn chuyển giao công nghệ?

Các doanh nghiệp Nhật Bản không nghĩ là phải xuất khẩu linh kiện của Nhật Bản sang Việt Nam, mà chúng tôi cho rằng cần làm ra những sản phẩm với linh kiện được sản xuất ngay tại nước sở tại.

Tuy nhiên, kỳ thực mà nói, ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay của Việt Nam còn yếu, và chúng tôi cho rằng đây là bài toán sắp tới cần giải quyết. Nhiều nhà doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay cũng đang có ý định sắp tới sẽ cố gắng sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam.

Theo VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm