Sữa nội chưa “sòng phẳng” với người tiêu dùng

Những sản phẩm sữa nước được chế biến bằng cách pha thêm nguyên liệu sữa bột, qua xử lý ở nhiệt độ cao thì phải gọi là “sữa hoàn nguyên tiệt trùng”, thế nhưng nhiều doanh nghiệp đề trên nhãn là “sữa tươi tiệt trùng”.

Sữa nội chưa “sòng phẳng” với người tiêu dùng - 1
Thiếu nguyên liệu sữa tươi là bài toán chưa có lời giải.
 
Doanh nghiệp (DN) sữa đang “nói dối” người tiêu dùng và kiếm lợi lớn khi vẫn sử dụng nguyên liệu sữa bột để sản xuất... sữa tươi.
 
Từ câu chuyện sữa tươi...
 
Theo Bộ Công Thương, cả miền Bắc hiện có 27.300 con bò, một nửa số bò cho sữa, sản lượng khoảng 90 tấn mỗi ngày, khoảng 10% trong số đó là nông dân bán lẻ hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Khá nhiều doanh nghiệp, chuyên gia dinh dưỡng lên tiếng khuyên người tiêu dùng không nên chạy theo sữa ngoại giá cắt cổ, nên chọn sữa Việt Nam cho vừa túi tiền.
 
Nhà kinh doanh khẳng định dùng nguyên liệu ngoại nhập tốt nhất từ tập đoàn toàn cầu, giá sữa nội rẻ do lợi nhuận của nhà kinh doanh thấp… Dù vậy, người dân vẫn đổ tiền mua sữa ngoại, bởi một phần họ chưa thật sự an tâm vào sữa nội.

(Theo SGTT)

Trừ đi 10% thì lượng sữa tươi cung cấp cho các DN vào khoảng 80 tấn/ngày. Các chuyên gia trong ngành sữa tính toán rằng, lượng sữa này chỉ đủ để cung cấp cho một nhà máy nhỏ.
 
Vậy nhưng, trên thực tế, ở miền Bắc hiện có tới 8 DN đang sản xuất sữa, cung cấp ra thị trường sản lượng 330 tấn/ngày. Con số này cho thấy, sản lượng sữa sản xuất từ sữa tươi thật chỉ chiếm 20% sản lượng sữa tiêu thụ.
 
Thực chất, sản phẩm sữa tươi mà nhiều DN đang bày bán trên thị trường được sản xuất chủ yếu từ nguồn sữa bột hoàn nguyên (nguyên liệu nhập khẩu).

Vậy tại sao các DN thường sử dụng cụm từ sữa tươi cho các sản phẩm của mình? Các chuyên gia lý giải rằng, sau “cơn bão” sữa nhiễm melamine, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm sữa tươi để sử dụng, nhằm loại bỏ nguy cơ nhiễm melamine từ sữa bột.

Đây chính là cơ hội để các DN sử dụng nhãn hiệu sữa tươi cho các sản phẩm nhằm tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng hơn....
 
Tới việc đánh tráo khái niệm sữa

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi nhận xét, đa phần sữa mà các DN đang bán trên thị trường là sữa hoàn nguyên.

Theo tiêu chuẩn TCVN 7029:2002, những sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha trộn từ nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa các loại, nước, qua xử lý nhiệt độ cao được gọi là sữa hoàn nguyên tiệt trùng.

Sản phẩm này sau khi lưu hành, trên nhãn phải ghi rõ là sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Nhưng trên thực tế, các DN đã lạm dụng khái niệm sữa tươi trong quảng cáo sản phẩm.

Đây là hành vi đánh lừa người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, bởi trên thực tế, người tiêu dùng rất khó phân biệt được 2 khái niệm này và đang phải trả tiền để mua sữa hoàn nguyên thay vì mua sữa tươi như DN công bố trên bao bì sản phẩm.

Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng lộn xộn nêu trên là khâu kiểm tra mặt hàng này vẫn chưa được thực hiện một cách rốt ráo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra rằng, chỉ cần kiểm tra xem nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra là biết ngay sản phẩm của DN được sản xuất từ sữa bò tươi hay sữa bột.

Trên cơ sở này, cơ quan quản lý thị trường kiểm tra việc lưu hành các nhãn hiệu sữa trên thị trường và hoàn toàn có thể ra các quyết định xử phạt những DN cố tình vi phạm.

Theo bác sĩ Ngô Thị Vân Hương (Viện Vệ sinh y tế công cộng), với việc công bố các chỉ số chất lượng chung chung như DN đang làm, thì ngay cả các chuyên gia cũng không thể phân biệt nổi các loại sữa, chứ đừng nói tới người tiêu dùng thông thường.

Thế nên, nếu không có sự kiểm tra và xử lý nghiêm khắc của cơ quan chức năng, DN sẽ còn tiếp tục có những hành động xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng và câu chuyện hành xử không sòng phẳng của nhiều DN ngành sữa sẽ vẫn còn được nói tới.

Được biết, từ nay đến cuối tháng 7/1009, hai Bộ Công thương và Y tế sẽ phối hợp thanh tra tất cả các quy trình sản xuất sữa tươi tiệt trùng tại các doanh nghiệp sản xuất sữa.
 

Theo Bộ Công Thương, riêng sữa nước được tiêu thụ trên toàn quốc khoảng 400 triệu lít/năm. Tuy nhiên, với sản lượng sữa bò nguyên liệu trong nước hiện khoảng 250 triệu lít/năm, thì sẽ phải có khoảng 150 triệu lít sữa nước được chế biến từ sữa bột nhập khẩu.

Năm 2006, không ít doanh nghiệp đã sản xuất “sữa tươi” từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu bị công luận lên tiếng và các cơ quan chức năng như Thanh tra Bộ KHCN, Tổng cục TCĐL&CL cũng đã vào cuộc. Sau đó các doanh nghiệp sản xuất sữa nước từ sữa bột đã phải sửa lại tên là “sữa tiệt trùng”.

MT (tổng hợp)