Sữa bột lại ồ ạt tăng giá
(Dân trí) - Nhiều tiểu thương khẳng định chỉ có 2 loại sữa bột được lệnh tăng là XO và Abbott, thế nhưng thị trường sữa vẫn cứ tăng bất chấp những lý do thiếu thuyết phục được đưa ra và người tiêu dùng phải cắn răng chịu thiệt.
Một điểm kinh doanh sữa trên phố Hàng Buồm.
Loạn lý do tăng giá
Qua khảo sát tại phố Hàng Buồm - một trong những trung tâm cung ứng sữa bột lớn nhất cho thành phố Hà Nội, hiện giá sữa bột đang tăng nhẹ, như Enfagrow loại 900g cho trẻ trên 1 tuổi đã nhích từ 290.000 đồng lên 304.000 đồng, Grow IQ của Abbott loại 1 kg cũng đã đạt tới giá 263.000 đồng (thêm 20.000 so với trước kia). Sữa hãng XO tăng sàn thêm 28.000.
Phần lớn các tiểu thương ở đây đều khẳng định họ buộc phải tăng giá do “các công ty sữa tăng giá và đã có bảng niêm yết giá gửi về”.
Quan sát cho thấy, các cửa hàng lớn trên tuyến phố này đều treo mức giá mới với dấu và chữ ký.
Trên bảng báo giá sữa của chị Thủy (chủ một cửa hàng đầu phố Hàng Buồm) có "dấu vết" sửa chữa giá niêm yết của 2 loại sữa Similac Mom loại 300g và 700g (tăng thêm 20.000 so với giá được đưa ra).
Chị Thủy cho biết: “Từ 4/3, chúng tôi đã nhận được quyết định tăng giá. Vì vậy không thể nói tăng ồ ạt và đột ngột được”.
Trước câu hỏi của PV Dân trí liệu con số 80% các loại sữa bột nhập khẩu nhích giá đưa ra có chính xác không thì chị Thủy khẳng định là không chính xác: “Hiện mới chỉ có 2 loại được lệnh tăng là XO và Abbott” - chị nói. Được biết, mức tăng giá của 2 loại sữa này lần lượt là 10% và 4%.
Ngoài ra, bám vào tâm lý người tiêu dùng ưa dùng hàng ngoại, một số cửa hàng nhỏ lẻ trên các tuyến phố như Thái Thịnh, Thành Công, Cầu Giấy... cũng đồng loạt tăng giá các loại sữa khác.
Cụ thể sữa Nan của Nestle loại 900g cho trẻ trên 1 tuổi tăng từ 320.000 tăng lên 336.000; sữa Gain Plus Advance IQ 3, loại 900g tăng từ 295.000 lên 307.000 đồng. Sữa Pedia Sure hộp 900 gam, trước giá 357.000 nay lên 366.000 đồng.
Lý giải cho tình trạng nói trên, chủ cửa hàng sữa số 105 Thái Thịnh cho biết: “Chúng tôi buộc phải bán với giá cao hơn trước đây do… chiết khấu”.
Theo chị, hiện tại các hãng sữa đang đẩy mạnh khuyến mãi với hình thức tăng khối lượng, tặng kèm sản phẩm. Chính vì vậy, chiết khấu đến với các cửa hàng phân phối cũng bị cắt giảm mạnh. Do đó, việc tăng giá là không thể tránh khỏi để… bù lỗ.
“Không phải chúng tôi tự ý tăng giá, mà đều căn cứ vào lợi nhuận kinh doanh cũng như yêu cầu từ phía công ty để làm” - chị này nói thêm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận giá sữa bột tại chuỗi cửa hàng bán lẻ này thường cao hơn giá thị trường chung từ 15.000 đến 20.000 đồng. Tiêu biểu là sản phẩm 900 g cho trẻ 1 tuổi của Enfa Grow ở đây lên tới 349.000 đồng - lệch trên 20.000 đồng so với các nơi khác.
Đắt vẫn phải “cắn răng”mua
Trong khi tiểu thương còn đang loay hoay tìm cách lý giải cho việc đẩy giá sữa bột nhập khẩu lên cao thì người tiêu dùng vẫn phải cắn răng mà chịu thiệt. Mặc dù có thông tin tăng giá, nhưng việc mua bán vẫn diễn ra khá tấp nập.
Chị Hiền - chủ cửa hàng sửa trên phố Hàng Giầy cho hay: “Khách hàng có nhu cầu cao nên vẫn mua mạnh. Họ không thể bỏ sản phẩm đã quen dùng chỉ vì giá tăng thêm 1, 2 chục”. Tuy nhiên đối với những gia đình không khá giả thì đó lại là một khoản chi phí dôi ra khá lớn.
Chị Nguyễn Thu Vân (Cầu Giấy - Hà Nội) nói: “Con tôi mỗi tháng dùng hết 3 hộp sữa loại 400g. Tính ra bây giờ một tháng lại phải bỏ thêm gần 100.000 đồng cho khoản này”. Được biết, hai vợ chồng chị đang làm công chức nhà nước và vẫn phải thuê nhà để ở.
Tại bệnh viện Châm cứu TW, ông Trần Văn Hòa (Thanh Hóa) có người nhà đang điều trị buồn bã cho biết: “Chưa kể viện phí và ăn uống, riêng tiền mua sữa uống đã đủ khiến gia đình tôi ở quê khốn đốn nhưng thương con nên đành cắn răng chịu.”.
Trường hợp như ông Hoà có thể dễ dàng bắt gặp tại rất nhiều bệnh viện khác.
Cường Cao