1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sự “tắc trách” của 3 cán bộ khiến Agribank mất hơn 600 tỷ đồng

(Dân trí) - Vợ chồng giám đốc công ty tư nhân lập hồ sơ giả để được vay vốn với số tiền lớn nhưng giám đốc Agribank chi nhánh 7 TPHCM cùng 2 nhân viên của mình không thẩm tra chặt chẽ theo các quy định dẫn đến thất thoát hơn 600 tỷ đồng tiền Nhà nước.

Ngày 16/12, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gây thất thoát hơn 600 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh 7, TPHCM (gọi tắt là Agribank chi nhánh 7). Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 21/12.

Trong số 9 bị cáo hầu tòa, đáng chú ý có 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Agribank chi nhánh 7 gồm: Phạm Văn Cử (SN 1961, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 7), Kiều Đình Thọ (SN 1980, nguyên trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh), Đỗ Thị Thu Hà (SN 1974, nguyên phó phòng Kế hoạch Kinh doanh). Ba bị cáo này bị truy tố vì tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Liên quan đến vụ án còn có các bị cáo gồm: Phạm Trịnh Thắng (SN 1971, nguyên Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Mai Khôi), Dương Thị Kim Luyến (SN 1972, nguyên giám đốc Cty TNHH Mai Khôi, vợ Thắng), Hoàng Văn Binh (SN 1958, nguyên giám đốc Cty TNHH sản xuất thương mại Minh Khuê), Ngô Thị Thanh Mai (SN 1974, nguyên giám đốc Cty TNHH đầu tư sản xuất thương mại và dịch vụ Minh Khôi), Dương Công Kiên (SN 1976, kinh doanh tự do, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư SXTM-DV Minh Khôi), Huỳnh Trường Huy (SN 1975, Nhân viên Công ty CP Đầu tư Đông Hải, nguyên Giám đốc Công ty CP Sinh hóa Phú Nông Gia). Nhóm bị cáo này bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Agribank chi nhánh 7 và công ty Mai Khôi... trước vành móng ngựa
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Agribank chi nhánh 7 và công ty Mai Khôi... trước vành móng ngựa

Theo bản cáo trạng, năm 2007, Cty TNHH Mai Khôi do Phạm Trịnh Thắng và Dương Thị Kim Luyến cùng Phạm Trịnh Thuận (em Thắng) lập nên với số vốn 500 triệu đồng. Công ty của Thắng đặt trụ sở chính tại tỉnh Đồng Nai, chuyên hoạt động kinh về gạo và phân bón.

Sau nhiều năm làm ăn, công ty của Thắng nâng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng và từ đây bắt đầu các hoạt vay vốn ngân hàng để kinh doanh.

Qua các mối quan hệ quen biết, Thắng đề nghị với Phạm Văn Cử khi ấy là giám đốc Agribank Chi nhánh 7 để được vay tiền kinh doanh. Từ tháng 11/2008 đến tháng 3/2011, Cử ký 5 hợp đồng tín dụng, gồm 2 hợp đồng vay theo món và 3 hợp đồng vay theo hạn mức tín dụng hàng năm (năm 2009 hạn mức là 500 tỷ đồng, năm 2010 là 412 tỷ đồng, năm 2011 là 412 tỷ đồng). Mục đích vay vốn là kinh doanh gạo và phân bón.

Sau khi các hợp đồng được ký kết, Cử chỉ đạo cho cấp dưới là Kiều Đình Thọ, Đỗ Thị Thu Hà tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cho giải ngân tổng số tiền là 1.179,6 tỷ đồng và hơn 23 triệu USD cho công ty Mai Khôi.

Công ty Mai Khôi đã tất toán 3 hợp đồng với tổng số tiền đã trả cho Agribank Chi nhánh 7 bao gồm 859 tỷ đồng và 19,6 triệu USD tiền gốc; tiền lãi là 71 tỷ đồng và 631.248 USD. Hiện còn 2 hợp đồng dư nợ gốc là 320,6 tỷ đồng và 3,1 triệu USD đã quá hạn từ ngày 24/8/2011.

Ngày 23/4/2012, Agribank chi nhánh 7 đã chuyển khoản vay này sang nợ xấu nhóm 5. Ngoài ra, Agibank chi nhánh 7 còn mở hợp đồng mua bán ngoại thương (L/C) trị giá 5,1 triệu USD cho Công ty Mai Khôi, hiện phải nhận nợ bắt buộc 434.176 USD. Do vậy, tổng số tiền Công ty Mai Khôi còn nợ Agribank chi nhánh 7 gốc là 320,6 tỷ đồng và 3,6 triệu USD, tương ứng 396 tỷ đồng; tiền lãi là 184,6 tỷ đồng và 996.232 USD, tương ứng gần 205 tỷ đồng.

Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, trong quá trình vay vốn tại Agribank chi nhánh 7, do không có đủ điều kiện vay vốn, Thắng liền cho nâng khống vốn điều lệ, lập khống báo cáo tài chính với mục đích nâng lợi nhuận sau thuế. Thắng còn cho lập nhiều phương án kinh doanh hàng nghìn tấn gạo khống, dùng tài sản thế chấp là giá trị lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu… để được vay 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sau khi vay được tiền, Thắng không hề sử dụng vào mục đích kinh doanh mà dùng tiền chi tiêu cá nhân, mua đất nông nghiệp trong dự án…

Ngoài ra, đến tháng 3/2010, khi hết thời hạn cho vay theo hạn mức tín dụng và bắt buộc phải trả nợ, do không có tiền nên vợ chồng Thắng - Luyến chỉ đạo cho nhân viên lập khống thêm hàng chục hợp đồng mua bán phân bón với trị giá hơn 85 tỷ đồng để vay thêm tiền từ Agribank nhưng trên thực tế, khi vay được tiền, Thắng lại dùng tiền vào việc đáo nợ ngân hàng…

Chưa hết, Thắng và đồng bọn còn dùng 11 bất động sản ở quận 7, chủ yếu là đất ruộng, ao chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp và thổi giá lên đến 700 tỷ đồng để vay tiền.

Cáo trạng của VKS nêu rõ, trong quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng tín dụng từ năm 2008 đến năm 2011 giữa Agribank Chi nhánh 7 với Cty Mai Khôi, Phạn Văn Cử, Kiều Đình Thọ và Đỗ Thị Thu Hà đã thực hiện không đúng các quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, để Phạm Trịnh Thắng và Dương Thị Kim Luyến sau khi vay, nhận tiền từ Agribank Chi nhánh 7 có hành vi gian dối trong việc sử dụng vốn sai mục đích, chiếm đoạt số tiền 185,5 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty Mai Khôi mất khả năng thanh toán gây thiệt hại cho Agribank Chi nhánh 7 số tiền gốc là 396 tỷ đồng, lãi là 205 tỷ đồng.

Công Quang

 

Sự “tắc trách” của 3 cán bộ khiến Agribank mất hơn 600 tỷ đồng - 2