Sơn diệt khuẩn, chống đạn, chống cháy từ… vỏ trấu

(Dân trí) - Vỏ trấu, thứ phế phẩm của ngành nông nghiệp bỗng “thăng hoa” khi được ứng dụng thành công để sản xuất mặt hàng sơn Nano chống đạn, chống cháy, diệt khuẩn. Thành tựu của tập đoàn Kova mở ra bước phát triển mới cho công nghệ sản xuất sơn.

Những đồng bằng trù phú trên khắp các vùng miền của đất nước hàng năm sản xuất ra hơn 40 triệu tấn thóc. Vỏ trấu lâu nay vẫn bị xem là loại phế phẩm của ngành nông nghiệp bởi sau khi xay xát để bóc tách lấy hạt gạo, người nông dân thường dùng trấu làm phân bón hoặc chất đốt với giá trị sử dụng thấp. Bằng công nghệ hiện đại, qua quá trình miệt mài nghiên cứu tập đoàn Sơn Kova đã ứng dụng thành công và cho ra đời các sản phẩm sơn Nano từ vỏ trấu với chất lượng vượt trôi, lợi ích kinh tế cao, thân thiện với môi trường.

Là nhà khoa học dám nghĩ dám làm mạnh dạn ứng dụng nghiên cứu vào thực tế và lấy thành công từ ứng dụng để nuôi nghiên cứu khoa học. Trong Hội thảo “Sơn Nano từ vỏ trấu” được tổ chức ngày 16/5 tại TPHCM, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch tập đoàn sơn Kova chia sẻ: “Cách đây 10 năm, trong lần sang Mỹ để giới thiệu sản phẩm, một nhân vật của Bộ quốc phòng Mỹ có hỏi tôi: “Sơn của bà có thể chống đạn cho tên lửa được không?” Khi đó tôi thấy “sượng” vì sản phẩm của mình không có tính năng ấy. Đến nay, tôi đang dần tìm ra câu trả lời.
 
Kova là tập đoàn đầu tiên trên thế giới cho ra đời sản phẩm sơn Nano từ vỏ trấu
Kova là tập đoàn đầu tiên trên thế giới cho ra đời sản phẩm sơn Nano từ vỏ trấu

Bà cho biết: “Trong thành phần vỏ trấu, SiO2 chiếm tỷ trọng lớn. Chúng tôi đã điều chế Nano SiO2 để làm keo chất chống đạn Nano composite. Kết quả thử nghiệm cho thấy, với mẫu vải Kevlar không dùng sơn chống đạn ở khoảng cách 2m, đạn súng lục xuyên qua 12 lớp vải. Mẫu vải Kevlar có sơn Nano từ vỏ trấu với 6 lớp vải, ở khoảng cách 2m đạn súng lục chỉ xuyên qua được 3 lớp.”

Sơn Nano từ vỏ trấu có khả năng cản sát thương tốt đồng thời có thể giảm 60 đến 70% trọng lượng của áo chống đạn giúp người sử dụng dễ thao tác. Mặt khác, vật liệu chống đạn từ vỏ trấu không độc hại với người mặc. Thành công này của Kova sẽ hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực an ninh quốc phòng trên khắp thế giới.

Hiện nay, tình trạng nhiễm khuẩn tại Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện rất đáng báo động do cơ sở hạ tầng và công tác chống nhiễm khuân còn hạn chế. Để giải quyết bài toán này, từ vỏ trấu tập đoàn Sơn Kova đã sản xuất thành công hệ sơn kháng khuẩn có khả năng kháng và diệt các loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến như: Tụ cầu khuẩn, khuẩn Ecoli, Salmonella, Pseudomo…

“Tính năng kháng khuẩn của Sơn Kova được phát triển dựa trên sự phối hợp khả năng diệt khuẩn của Nano bạc và các chất hóa học. Màng sơn sẽ cô lập vi khuẩn, không cho chúng có khả năng sinh sản và phát tán rộng thêm đồng thời ăn mòn các vách tế bào của vi sinh vật đến khi tế bào vỡ ra khiến vi khuẩn bị tiêu diệt.” Dự kiến, thời gian tới sản phẩm này sẽ phục vụ hiệu quả mang lại môi trường “sạch” trong y tế, giáo dục cũng như gia dụng.
 
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe người mở đường cho công nghệ sơn Nano
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe người mở đường cho công nghệ sơn Nano

Cũng từ vỏ trấu PGS.TS Nguyễn Thị Hòe cùng cộng sự đã cho ra đời loại sơn chống cháy có khả năng chịu được nhiệt độ lên đến hơn 1.000 độ C từ 4 đến 6 tiếng để bảo vệ cho bề mặt bê tông, thép, gỗ trong các tòa nhà. Việc kéo dài thời gian bắt lửa hạn chế tăng độ mỏi của công trình khi có hỏa hoạn giúp di tản con người ra khỏi khu vực bị cháy cũng như chờ lực lượng chữa cháy đến ứng cứu.

Trước khi cho ra đời dòng sản phẩm trên, tập đoàn Sơn Kova đã có nhiều sản phẩm truyền thống như sơn phủ trang trí hệ nước, vật liệu chống thấm, sơn chức năng, sơn giao thông… được sử dụng tại nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Đại lộ Đông Tây – hầm Thủ Thiêm, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Phủ Chủ tịch nước; các khu vui chơi giải trí Suối Tiên, Đại Nam cùng hàng loạt các công trình hiện đại cả trong nước và ngoài nước. Kova là công ty sơn đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sơn sang nhiều thị trường “khó tính” như Singapore, Indonesia…

Không đặt nặng thành tựu là tập đoàn sơn đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công sơn Nano từ vỏ trấu, nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đang kỳ vọng những sản phẩm ưu việt của công ty sẽ được ứng dụng rộng rãi để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sống của con người. Bà cũng hy vọng người nông dân Việt Nam sẽ có thêm một khoản thu nhập từ việc bán vỏ trấu không kém gì so với thu nhập từ bán gạo. “Khoảng 10kg vỏ trấu chúng tôi có thể sản xuất ra 1kg sơn Nano với mức giá hơn 1 triệu đồng (50USD) đời sống của người nông dân chắc chắn sẽ được cải thiện.”
 

V.S