Số phận những tỷ phú số 1 Việt Nam đời đầu

Nhiều đại gia số một giờ chìm sâu trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK, sau những biến cố, sóng gió trên thị trường và trước sự bứt phá mạnh mẽ của nhiều gương mặt mới.

Từng dẫn đầu, giờ chìm sâu

 

Sáng 29/9, cổ phiếu KBC của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm tiếp tục tăng giá ấn tượng với +3,4% lên 15.200 đồng/cp. Sự tăng giá với tốc độ vũ bão 50% trong vòng khoảng 2 tháng qua đã khiến tài sản của doanh nhân này tăng mạnh.


Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của các cổ phiếu, trong đó có KBC, không giúp ông Tâm cải thiện về thứ hạng trên bảng những người giàu nhất TTCK. Với hơn 1.100 tỷ đồng quy ra từ cổ phiếu đứng tên, ông Tâm ở rất xa vị trí số 1 ông từng nắm giữ năm 2007.

 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đứng đầu danh sách, nắm giữ gần 285 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup trị giá gần 22.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD, gấp 22 lần số tài sản ông Tâm đứng tên. Đó là chưa tính tới tài sản của vợ và người thân của ông là gần 3.800 tỷ đồng của bà Phạm Thu Hương và hơn 2.500 tỷ đồng của bà Phạm Thúy Hằng.

 

Để vươn lên vị trí thứ 10 mà ông Tâm ngấp nghé trong suốt cả năm 2013 cũng khó khăn, bởi ông cần thêm khoảng 300 tỷ giá trị tài sản đứng tên nữa mới đánh bật được người đang ở vị trí này.

 

Đại gia Đặng Thành Tâm tụt hạng nhanh chóng từ khi hầu hết DN mà ông nắm giữ kinh doanh yếu kém, nợ nần chống chất. Khoảng 2 năm gần đây, ông rất vất vả giải cứu các DN này.

 

Ông Trương Gia Bình - người giàu nhất trên TTCK năm 2006 với khối tài sản khi đó gần 2.400 tỷ đồng - quyết không thoái vốn khỏi FPT mà cùng sống chết với DN làm lên tên tuổi của mình. Tuy nhiên, tổng tài sản quy ra từ cổ phiếu FPT của ông Bình hiện chỉ còn khoảng 1.300 tỷ đồng (thêm một vài trăm tỷ do người thân đứng tên), thấp hơn mức trung bình 12.000 tỷ đồng của 3 người giàu nhất trên sàn hiện nay.

 

Số phận những tỷ phú số 1 Việt Nam đời đầu
Tổng tài sản quy ra từ cổ phiếu FPT của ông Bình hiện chỉ còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình của 3 người giàu nhất trên sàn hiện nay.

 

Ông Bình giờ vẫn là cổ đông lớn nhất, và FPT vẫn là công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các DN khác khiến ông Bình hiện chỉ đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng và có thể thấp hơn nhiều nếu so với hàng loạt đại gia chuyển một phần lớn tài sản sang công ty riêng, người thân như: Lê Phước Vũ, Nguyễn Đức Tài (MWG), Đặng Văn Thành, Trần Hùng Huy, Trầm Bê...

 

Một số gương mặt nổi danh khác như Đặng Văn Thành, Trần Kim Thành, Trần Mộng Hùng, Lê Văn Quang, Nguyễn Đăng Quang, Hà Văn Thắm... cũng đang chìm dần trên thị trường, rớt xuống các vị trí thấp hơn.

 

Sự bứt phá ngoạn mục

 

Trái ngược với sự tụt giảm mạnh của nhiều gương mặt đại gia kỳ cựu, TTCK chứng kiến nhiều doanh nhân giàu có trẻ tuổi khác nổi lên nhanh chóng.

 

Ông Phạm Nhật Vượng đang xếp vị trí số 1 trong tốp những người giàu nhất sau khi đã nắm danh hiệu này 4 năm trước đó. Tài sản của ông cũng như gia đình đang ngày càng phình to và vượt xa hơn so với các đại gia ở các vị trí tiếp theo.

 

Sau khoảng 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể.
Sau khoảng 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể.

 

Tổng cộng, gia đình ông Vượng đang nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, trị giá gần 29 nghìn tỷ đồng, bằng suýt soát 90% so với tổng tài sản của 9 gia đình còn lại trong tốp 10 gia đình giàu nhất trên TTCK.

 

Ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng là ông Đoàn Nguyên Đức có tài sản chưa tới 8.300 tỷ đồng, còn gia đình đứng ở vị trí thứ 2 thuộc về gia đình ông Trần Đình Long cũng mới chỉ có hơn 8.800 tỷ đồng.

 

Gần đây, sau khoảng hơn 2 tháng niêm yết cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động trên sàn, ông Nguyễn Đức Tài đã chứng kiến tài sản nở phình lên thành 1.800 tỷ đồng, còn ông Trần Lê Quân (thành viên HĐQT) có tài sản trên 1.500 tỷ đồng. Hai đại gia mới nổi này đều có tài sản đủ lọt tốp 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

 

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, tiến rất vững chắc trên bảng xếp hạng những người giàu nhất và hiện đứng ở vị trí thứ 2. Nếu tính cả tài sản của vợ, thì gia đình ông Long giữ vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng.

 

Bên cạnh đó, giới đầu tư còn chứng kiến sự bứt phá của 2 đại gia ngành thủy sản là bà Trương Thị Lệ Khanh (Vĩnh Hoàn) và ông Dương Ngọc Minh (Hùng Vương). Hai doanh nhân này đều vươn tới và xác lập vị trí trong tốp 10 người giàu nhất.

 

Có thể thấy, sau khoảng 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể. Số lượng người giàu có tăng lên nhanh chóng, trong đó những người siêu giàu (với tài sản trên 30 triệu USD) cũng tăng lên không ngừng, với con số ước tính khoảng 200 người. Hai người được xếp hạng là tỷ phú USD, trong đó có ông Phạm Nhật Vượng và một người còn lại chưa xác định được danh tính.

 

Tuy nhiên, đang có những tín hiệu cho thấy, bảng xếp hạng sẽ thay đổi lớn trong vài năm tới. Sự giàu có nhờ vào BĐS hay ngân hàng, chứng khoán... không còn dễ như trước, thay vào đó sẽ là các ngành sản xuất thế mạnh của Việt Nam, của các DN sản xuất hàng hóa quy mô lớn và sản xuất hàng hóa thiết yếu... Sự xuất hiện của hai doanh nhân thủy sản cũng như vua thép Trần Đình Long chứng tỏ xu hướng này.

 

Theo Huấn Tú

VEF
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”