Sinh viên Trung Quốc buôn nhà đất ở Canada

Theo báo chí Trung Quốc, hiện nay đang có trào lưu học sinh Trung Quốc ra nước ngoài học tập để du sơn ngoạn thủy, mua sắm hàng hiệu, hưởng thụ cuộc sống và đặc biệt là…buôn nhà đất.


Biệt thự sang trọng ở Vancouver của một sinh viên Trung Quốc.

Biệt thự sang trọng ở Vancouver của một sinh viên Trung Quốc.

9 sinh viên Trung Quốc mua gom các biệt thự triệu USD

Báo “The Vancouver Sun” mới đây đưa tin, ông David Eby, bình luận viên của Đảng Tân dân chủ Canada (NDP) tuần trước đã tổ chức họp báo, trình ra bản báo cáo nghiên cứu về tình hình mua bán nhà đất ở khu vực Point Grey, Vancouver. Báo cáo nêu rõ: Tại khu này có 9 khách mua các ngôi biệt thự tổng trị giá 57 triệu Dollar Canada (CAD), tức 288 triệu NDT (1.008 tỷ VND), đều ghi nhân thân là học sinh. Hơn nữa, tên của họ đều là phiên âm latin từ Hán ngữ nên có thể đoán rằng, họ là người Trung Quốc. Báo cáo cũng cho thấy có tới 40 triệu CAD trong nguồn tiền được các học sinh này dùng để mua các ngôi nhà này được vay từ ngân hàng.

Ông David Eby còn đặc biệt đề cập đến trường hợp mua bán ngôi biệt thự xa hoa ở đường West 8th Avenue. Tháng 4/2015, ngôi biệt thự này được một du học sinh Trung Quốc mua với giá 7,19 triệu CAD (36,4 triệu NDT, tức 127,4 tỷ VND); đến tháng 5/2016 vừa qua, du học sinh tên là “Xuan Kai Huang” (Hòang Huyền Khải) đó đã bán nó với giá 8,35 triệu CAD, kiếm lãi 1,16 triệu CAD, tức hơn 5,85 triệu NDT (20,48 tỷ VND). Tập đoàn truyền thông Postmedia của Canada nhiều lần liên hệ với anh chàng này nhưng không được.

Tờ “The Vancouver Sun” hồi tháng 5/2016 cho biết, đầu năm 2016, một sinh viên Trung Quốc Tian Y Zhou bỏ ra 31,1 triệu CAD (157 triệu NDT - 549 tỷ VND) mua một biệt thự xa hoa ở khu Point Grey. Số tiền này đã lập kỷ lục về giá đắt nhất cho một ngôi nhà ở Vancouver cho đến thời điểm hiện nay, gây chấn động dư luận Canada. Trong văn bản giao dịch, Zhou ghi rõ nghề nghiệp của mình là “sinh viên” (Student). Cú mua bán này đã khiến Tian Yu Zhou trở thành người chủ “chịu chơi nhất” trong “9 thiếu gia khu Point Grey”.

Người Trung Quốc lũng đoạn thị trường nhà đất

Tuy chưa có những phân tích cụ thể về tác động của các khách mua Trung Quốc đối với thị trường nhà đất, nhưng theo báo cáo của một ngân hàng, “nhu cầu mua nhà của người Trung Quốc đã khiến giá nhà tăng vọt, từ đó dẫn đến sự gia tăng các khoản tiền vay để mua nhà”.

Theo báo cáo của “Bank of Canada”, tính đến tháng 4/2016, giá nhà ở British Columbia và Ontario tăng nhanh nhất, khu Great Vancouver tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ở Toronto chỉ tăng 14%. Còn theo CNBC, ngày 15/9 vừa qua, công ty tư vấn kinh tế “Longview Economics” của Mỹ đã công bố bản so sánh giá nhà đất với thu nhập, cho thấy Vancouver hiện là nơi có giá nhà đắt thứ 6 trên toàn thế giới.

Trước tình hình biến động về giá nhà, chính phủ Canada buộc phải ra tay khống chế. Từ ngày 2/8/2016, chính quyền bang British Columbia bắt đầu thu của các nhà đầu tư địa ốc nước ngoài mức thuế chuyển nhượng nhà đất (property transfer tax) tới 15% tại khu vực Great Vancouver, nơi người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc tập trung mua nhà nhiều nhất. Hiệu quả của loại thuế được người Hoa ở Canada gọi là “thuế bài ngoại” này lập tức thể hiện rõ. Theo mạng Ifeng, tới đầu tháng 9, giá biệt thự ở Vancouver đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2015.

Tiền mua nhà ở đâu?

Theo Tân Hoa xã, có mấy nhân tố chủ yếu khiến người Trung Quốc đổ tiền sang Canada mua nhà: thứ nhất, nhiều người có tiền (quan chức và đại gia) tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư; thứ hai, một số người mua nhà ở nước ngoài để con cái có cơ hội được giáo dục tốt hơn, hoặc nhắm tới mục đích di cư. Có số liệu cho thấy năm ngoái có tới 6.000 người Trung Quốc được chính phủ 3 nước Mỹ, Canada và Australia chấp thuận quyền công dân, đứng đầu thế giới. Việc gia tăng người di cư, khiến người Trung Quốc dần trở thành những khách hàng quan trọng của thị trường nhà đất ở các nước.

Một nguyên nhân khác là sự dễ dãi, lơi lỏng của các ngân hàng nước sở tại trong việc cho vay tiền. Tuy có các quy định về việc phải chứng minh công việc và thu nhập, nhưng trên thực tế, chỉ cần người vay trả được tỷ lệ nhất định trong kỳ đầu tiên là ngân hàng không cần xác nhận những thông tin khác về khách hàng; đó là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên Trung Quốc vay được tiền để buôn nhà. Ông David Eby kêu gọi chính phủ cần tăng cường quản lý giám sát việc giao dịch nhà đất, đặc biệt những người mua nhà phải chứng minh được nguồn tiền họ sử dụng để mua.

Theo Thu Thủy
Tiền Phong