Siêu xe, điện thoại ùn ùn...về âm phủ

(Dân trí) - Mặc dù kinh tế khó khăn song với tâm lý “cả năm được rằm tháng 7” nên nhiều gia đình không tiếc tiền mua các vật dụng hàng mã gửi cho cõi âm. Thậm chí có gia đình còn chi tiền triệu để sắm xe hơi, nhà lầu, iphone, ipad...cho người nhà ở cõi âm.

Dọc các tuyến phố chuyên đồ hàng mã ở phố cổ Hà Nội như phố Hàng Mã, Lương Văn Can...những ngày này đông nghịt người tới mua sắm. Các mặt hàng mã với đủ kiểu cách và mẫu mã cũng đua nhau tràn ra đường thu hút khách.
 
Các gian hàng bàn đồ cho người cõi âm nhộn nhịp người ra vào mua hàng
Các gian hàng bàn đồ cho người cõi âm nhộn nhịp người ra vào mua hàng

 

Ngoài các mặt hàng thông dụng như quần áo, giày dép, mũ nón, vải vóc,... chủ yếu được bán buôn cho các tỉnh và vùng lân cận thì những món hàng độc và “siêu sang” như xe hơi, xe máy, biệt thự, điện thoại iphone, máy tính bảng ipad, laptop,... cũng được nhiều người hỏi mua.

 

Chị Thủy, chủ cửa hàng vàng mã trên phố Hàng Mã cho biết: “Mấy ngày cận rằm này có rất nhiều người đến hỏi mua xe hơi và điện thoại. Có người còn đưa cả danh sách các vật dụng đang “hot” nhất hiện nay mà không cần hỏi giá cả. Tính sơ sơ cũng vài gần chục triệu.”

 

Theo chị Thủy, hiện các đồ vàng mã “thời thượng” này đều có mức giá từ 200.000 – 300.000 đồng/món, mỗi bộ cao cấp như thế này cũng tầm gần chục triệu. Càng nhiều chi tiết thì càng đắt. Còn những sản phẩm siêu sang và siêu độc thì phải đặt trước và thường giá cả do thỏa thuận.

 

Mặc dù lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ trên tay, chị Mai (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) vẫn cố chen vào lựa mẫu chiếc siêu xe được treo bên trong. Sau khi ngã giá chị lấy thêm bộ siêu xe và điện thoại iphone, máy tính bảng ipad với giá 1 triệu đồng nữa thì chị mới hể hả chen ra.

 

“Cả năm được rằm tháng 7, mình phải làm cho chu toàn, trần sao âm vậy, để các cụ và con cháu dưới cõi âm cũng được hưởng tí. Đáng lẽ ra chỉ cần mua ở chợ Nhân Chính gần nhà thôi nhưng vì ở đó không có các mặt hàng thời thượng này nên tôi mới phải lặn lội lên tận đây. Tôi có thằng cháu, nó bị mất do tai nạn giao thông, lúc còn sống nó cũng ham thích xe cộ điện thoại lắm. Thôi thì cũng chả đáng bao nhiêu so với vật thật nên tôi mua đầy đủ cho cháu hài lòng”, chị Mai phân trần.

 

Cũng tâm lý như chị Mai, bà Minh (ngụ ở khu tập thể Phương Mai) nói: “Sống ở trần gian có lẽ còn lâu mới mua được cái ô tô mà đi. Đến lúc mất thì người nhà mới sắm cho được. Kể cũng tội. Nhưng thà có còn hơn không”.

 
Tại Đà Nẵng, người dân đã đổ về các chợ để sắm đồ cho người cõi âm khiến cho các khu vàng mã nhộn nhịp hẳn lên. Dạo quanh các chợ lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng, tại các gian hàng bán hàng mã người ra vào mua hàng nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường. Nhiều người ở các vùng ven thành phố cũng đến đây lấy hàng về bán lại.

Đồ dùng cho người cõi âm khá đa dạng và phong phú về mẫu mã và giá cả. Từ quần áo, giày dép, mũ, đồ trang sức, lược, điện thoại di động, tiền, vàng, bạc…Chỉ riêng quần áo thôi cũng có rất nhiều loại: áo dài cho các ông các bà, áo sơ mi công sở, áo sơ mi nông dân.

Giá các loại vàng mã thông thường: bộ quần áo: 15.000/bộ (gồm: áo, quần, dép, mũ), bộ trang điểm cho phụ nữ: 3.000 đồng/bộ (gồm: phấn, son, bút chì kẻ), bộ trang sức: 4.000 đồng/bộ (gồm: 2 lắc tay, 4 nhẫn), vàng thỏi: 15.000 – 30.000 đồng/thỏi, chai rượu: 3.000 đồng/chai…

Cô Thảo, người bán hàng mã trong chợ Siêu thị Đà Nẵng vừa thoăn thoát lấy hàng cho biết: “Ngày thường thì ế ẩm lắm, chỉ được mấy ngày này là đông khách thôi. Tuy nhiên, so với năm ngoái thì năm này không đông bằng và người mua cũng dè dặt hơn khi lựa chọn đồ lễ lạt”.

Người mua hàng chủ yếu chọn các loại hàng mã thông thường, vừa túi tiền
Người mua hàng chủ yếu chọn các loại hàng mã thông thường, vừa túi tiền

Chị Tô, người bán vàng mã hàng bên cạnh cho biết, người mua chủ yếu mua những loại vàng mã thông thường, rất ít người hỏi mua những loại vàng mã đắt tiền. Số tiền mỗi người chi cho việc mua sắm vàng mã giao động khoảng từ 50.000 – 100.000 đồng, nhà nào điều kiện khá giả hơn thì mua khoảng từ 200. 0000 – 300.000 đồng.
 
Chị Phượng, người đang mua vàng mã cho biết: “Rằm tháng 7 là lễ lớn trong năm nhưng tôi cũng chỉ mua những đồ thông thường thôi. Kinh tế khó khăn tiền đâu mà mua những thứ đắt tiền, quan trọng là ở cái tâm mình thôi”.

Nhật Linh - Khánh Hồng