Siêu thị - “siêu” nhập nhằng

Các tập đoàn bán lẻ quốc tế đến với thị trường Việt Nam bằng việc ra đời hàng loạt các siêu thị lớn nhỏ, nhưng bên cạnh đó việc quản lý bị “thả nổi”, trong khi quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm phạm…

Nhập nhằng thứ hạng

 

“Việc mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) giờ đã trở thành thói quen của nhiều người dân Hà Nội. Với tâm lý chung của nhiều người cứ mua hàng ở những nơi treo biển siêu thị là yên tâm, là hàng thật.

 

Nhưng thực tế có khi họ bị mua đắt, thậm chí bị lừa nhưng vẫn không biết khi mà tình trạng lạm dụng tên gọi siêu thị, TTTM diễn ra phổ biến như hiện nay-Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội bức xúc nói.

 

Theo đánh giá của ông Phú, mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm, nhưng loại hình kinh doanh siêu thị, TTTM của Hà Nội hầu hết phát triển mang tính tự phát. Nhiều khu chợ dân sinh đã được tháo dỡ để xây dựng thành các TTTM, dù có trường hợp xây xong rồi để không!

 

Các siêu thị quy mô nhỏ, không đạt tiêu chuẩn về diện tích, chủng loại hàng hóa, vốn, trang thiết bị chuyên dùng..., nhưng vẫn trưng biển, tự phong “sao, xếp hạng” cho mình là siêu thị đạt chuẩn.

 

Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh, phục vụ của các siêu thị còn thấp, ngay cả ở những siêu thị, TTTM lớn, số lượng nhân viên kinh doanh được đào tạo rất ít.

 

Ngoài ra, hiện có rất nhiều Cty, cửa hàng kinh doanh đua nhau sử dụng chiêu thức tự gắn cho mình tên các siêu thị chuyên ngành như: Siêu thị máy tính, siêu thị nội thất, siêu thị điện thoại, siêu thị điện tử, siêu thị ôtô… gây ra sự ngộ nhận cho người tiêu dùng.

 

Các cuộc kiểm tra mới đây của Sở Thương mại Hà Nội cho thấy, hầu hết các siêu thị, TTTM trên địa bàn hiện nay không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định như: diện tích kinh doanh chưa đạt mức tối thiểu; bảo quản hàng hoá không đúng quy trình; thiếu các điều kiện cần thiết để phục vụ khách hàng (khu vệ sinh, khu giải trí)…

 

Điều này lý giải vì sao ngay cả những siêu thị lớn, quy mô như Big C (của tập đoàn Bourbon), cũng vừa bị lực lượng chức năng xử phạt về những vi phạm trong kinh doanh.

 

Ngoài ra, lực lượng kiểm tra còn phát hiện tại một số siêu thị, TTTM, kinh doanh hàng không dán tem, hàng kém chất lượng, hàng trốn thuế, thậm chí kinh doanh hàng giả… 

 

Quản lý vẫn bị thả nổi?

 

Theo Quyết định 1371 (ngày 24/9/2004) của Bộ Thương mại, siêu thị được phân ra làm 3 hạng gồm:

 

Siêu thị hạng 1 phải có diện tích tối thiểu là 5.000 m2 và có 20.000 chủng loại hàng hóa trở lên;

 

Siêu thị hạng 2 có diện tích từ 2.000 m2 và 10.000 chủng loại hàng hóa trở lên;

 

Siêu thị hạng 3 có diện tích tối thiểu 500 m2 và 4000 chủng loại hàng hóa trở lên.

 

Về các trung tâm thương mại (TTTM) cũng chia thành 3 hạng.

 

Các TTTM hạng 1 phải có diện tích từ 50.000 m2 trở lên; hạng 2 là 30.000 m2 và hạng 3 là 10.000 m2.

 

Ngoài ra, QĐ 1371 còn nêu rõ các siêu thị, TTTM phải có đủ tiêu chuẩn như: nơi để xe, khu vệ sinh, các dịch vụ đi kèm, hệ thống nhà hàng… chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo Sở Thương mại Hà Nội, tính đến tháng 8/2006, Sở chỉ mới phân hạng được cho 18 siêu thị và 1 TTTM (trong số gần 80 đơn vị treo biển siêu thị, TTTM mà Sở này nắm được), đủ tiêu chí  phân hạng theo Quyết định số 1371/2004 - của Bộ Thương mại về “Quy chế siêu thị và TTTM”.

 

Điều này chứng tỏ, đa số siêu thị, TTTM còn lại hiện nay của Hà Nội dù chưa đủ điều kiện, chưa có quyết định xếp hạng, nhưng vẫn ngang nhiên trưng biển siêu thị, TTTM.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trong việc thực hiện quy chế, đặc biệt là việc phân hạng siêu thị, TTTM. Một thực tế là nhiều siêu thị được thành lập nhưng Sở Thương mại vẫn không nắm được.

 

Bởi vì, đây không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện, nên khi đăng ký ngành nghề kinh doanh tại Sở Kế hoạch&Đầu tư chỉ yêu cầu về vốn pháp định, tư cách pháp nhân, mà không phải tuân thủ theo quy định nào của ngành thương mại.

 

Vì không nắm được tình hình hoạt động của các siêu thị nên việc hướng dẫn thực hiện quy chế cũng như công tác quản lý đối với những doanh nghiệp này vô cùng khó khăn. 

 

Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Vân, Phó trưởng phòng quản lý Thương mại (Sở Thương mại, Hà Nội) cho biết: Việc quản lý và phân hạng các siêu thị, TTTM trên địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn, một phần do “Quy chế về siêu thị, TTTM” chưa chỉ ra được việc phân hạng siêu thị đem lại lợi ích gì cho các doanh nghiệp ở các hạng khác nhau.

 

Mặt khác, mặc dù “Quy chế về siêu thị, TTTM” đã ra đời hai năm nay nhưng đến bây giờ vẫn chưa hề có một chế tài nào trong việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.

 

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện theo kiểu đối phó. “Điều này gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong việc xử lý những siêu thị vi phạm. Dù biết rất nhiều doanh nghiệp vi phạm trong việc thực hiện quy chế siêu thị, TTTM, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt vì chưa có chế tài.

 

Sở chỉ có thể xử phạt các siêu thị về mặt kinh doanh thương mại như: công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm nhãn mác… mà thôi” - Bà Vân phàn nàn.

 

Chính vì các văn bản quản lý Nhà nước trong lĩnh vực siêu thị, TTTM chưa rõ ràng, cụ thể nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng nhằm “đội lốt” siêu thị, TTTM để đánh lừa khách hàng.  

 

Theo bà Vân, Sở đã có văn bản gửi Bộ Thương mại đề nghị bổ sung một số quy định trong “Quy chế” nhằm phù hợp với thực tế quản lý hoạt động kinh doanh siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt là sự cần thiết sớm ban hành các chế tài xử phạt đối với các đơn vị vi phạm.

 

Theo Nguyễn Tú

Báo Tiền phong