1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Siêu” Hiệp định RCEP: Xuất hiện những lo ngại, Bộ Công Thương lý giải

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bên cạnh những lợi ích từ RCEP, nhiều ý kiến cũng đặt ra một số lo ngại. Có ý kiến còn cho rằng RCEP có khả năng mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hơn các quốc gia thành viên khác.

“Siêu” Hiệp định RCEP: Xuất hiện những lo ngại, Bộ Công Thương lý giải - 1

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) quy mô GDP 26.200 tỷ USD đã được ký kết trực tuyến ngày 15/11 sau 8 năm dài đàm phán.

RCEP đem lại lợi ích kinh tế gì?

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Vậy siêu hiệp định RCEP sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, đại diện phía Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định RCEP khi được thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ (thay vì áp dụng 5 bộ quy tắc xuất xứ của 5 hiệp định FTA như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.

Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài. Thêm nữa, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Dẫn một số nghiên cứu độc lập từ nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương cho biết việc chúng ta chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, làm cho Việt Nam có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài.

“Cuối cùng, việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP sẽ góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Hiệp định RCEP là sáng kiến của ASEAN, được bắt đầu đàm phán từ năm 2012”, đại diện phía Bộ Công Thương cho hay.

Lo ngại gì khi vào RCEP?

Bên cạnh những lợi ích khó phủ nhận từ RCEP, nhiều ý kiến cũng đặt ra một loạt lo ngại như vấn đề nhập siêu. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng RCEP có khả năng mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hơn các quốc gia thành viên khác.

Trước lo ngại này, đại diện phía Bộ Công Thương khẳng định Hiệp định dự kiến đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Tuy nhiên, xét về lợi ích cụ thể thì các nhóm nước khác nhau có lợi ích cũng khác nhau.

Cụ thể, với tất cả các nước ASEAN thì đây là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường do ASEAN đều đã FTA với các đối tác. Thay vào đó, với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.

Còn với 5 nước đối tác của ASEAN là Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Newzealand, đại diện Bộ Công Thương cho biết có những góc nhìn có khác. Ngoài các giá trị các nước này chia sẻ với các Thành viên ASEAN thì 5 nước đối tác cũng được hưởng lợi ích từ việc mở cửa thị trưởng mới cho nhau, đặc biệt là giữa các nước hiện chưa có quan hệ FTA.

Khác với các nước ASEAN, trước khi thiết lập khu vực RCEP thì Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa có FTA với nhau, thậm chí quá trình đàm phán riêng giữa 3 nước này kéo dài nhưng không đạt được kết quả. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, khi được đặt trong không gian của Hiệp định RCEP và với sự trung hòa quan điểm từ các nước ASEAN thì các nước đối tác cũng đã thống nhất được quan điểm với nhau.

“Đây chính là thể hiện rõ rệt nhất vai trò trung tâm của ASEAN. Cũng có lẽ vì lý do đó mà RCEP là một số ít Hiệp định mà cả trong quá trình đàm phán lẫn khi ký kết đều có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác”, đại diện phía Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trước đó, đại diện phía Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng khẳng định RCEP - Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn...