Siêu dự án 100 tỷ USD, tin chứ sao không?

Sau khi thuyết trình và công bố rầm rộ về siêu dự án 30 tỷ USD Eminence Group USA tại Thanh Hóa, đến nay, nhà đầu tư này bặt vô âm tín.

Thực sự là ảo vọng với siêu dự án trăm tỷ USD, bởi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài dù đề xuất dự án vài chục tỷ USD, nhưng rồi một đi không trở lại. Thậm chí, có những dự án có dấu hiệu lừa đảo.
 
Siêu dự án 100 tỷ USD, tin chứ sao không?
Sau khi thuyết trình và công bố rầm rộ về siêu dự án 30 tỷ USD Eminence Group USA tại Thanh Hóa, đến nay, nhà đầu tư này bặt vô âm tín

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Thông tin trên các phương tiện truyền thông mấy ngày gần đây, Công ty Dragon Best International (trụ sở Hồng Kông) đã ký hợp đồng nguyên tắc với một công ty tư nhân của Việt Nam  là Công ty cổ phần Du lịch Hồ Tràm,  về việc sẽ tham gia đầu tư vào 3 dự án lớn ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 100 tỷ USD.

 

Đó là Dự án Khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính, khách sạn, khu nhà ở, trung tâm hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (TP.HCM), tổng vốn đầu tư 32 tỷ USD; Dự án Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD và Dự án Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, tổng vốn đầu tư lên đến 50 tỷ USD.

 

Ngay sau khi thông tin được đăng tải, nhiều ý kiến đã tỏ ra nghi ngờ về con số 100 tỷ USD này. “Đó là điều không tưởng. Không một nhà đầu tư nào lại một lúc bỏ 100 tỷ USD đầu tư vào một quốc gia có GDP cũng chỉ cao hơn con số đó vài chục tỷ USD. Việt Nam cũng không thể tiếp nhận được một khoản vốn lớn như vậy”, GS-TSKH Nguyễn Mại, vị chuyên gia lâu năm về đầu tư nước ngoài (FDI) đã phát biểu như vậy và càng khẳng định sự vô lý của thông tin trên, khi trong tổng số 100 tỷ USD nói trên, có tới 50 tỷ USD dự định đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, khu vực mà lâu nay Nhà nước đã đầu tư nhưng chưa có hiệu quả.

 

“Đầu tư thì mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận, nhưng bỏ 100 tỷ USD thì liệu bao giờ mới có lãi? Chẳng ai dại gì lại đi đầu tư rồi đợi cho thế hệ sau được hưởng”, ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư bày tỏ quan điểm như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.

 

Đặt câu hỏi với ông Robert Trần rằng, trong trường hợp này, ông sẽ tư vấn cho doanh nghiệp như thế nào, thì ông khẳng định: “Tôi sẽ chẳng tư vấn gì cả, vì nó không thực tế”.

 

Sự vô lý của khoản vốn đầu tư trị giá lên đến 100 tỷ USD nói trên, khiến ngay cả những người bình thường, chứ không phải là chuyên gia, cũng nghi ngờ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đây không phải là lần đầu tiên, những “siêu dự án” như vậy được nhà đầu tư nước ngoài đem ra giới thiệu, gây “ảo vọng” cho không ít người.

 

Mới đầu tháng 2 năm ngoái, là thông tin một đại gia Dubai - Global Sphere - dự định xây dựng một siêu dự án có tên Phố Wall Hà Nội, với tổng vốn đầu tư được dự kiến là 30 tỷ USD. Theo kế hoạch được thông báo lúc đó, Dự án sẽ có khoảng 70 tòa chung cư với chiều cao khác nhau, dao động từ 40-70 tầng. Ở giữa các tòa chung cư này sẽ là một tòa tháp trung tâm cao 102 tầng. Dự án dự kiến sẽ cung cấp chỗ ở cho khoảng 300.000 - 400.000 người, được thiết kế tương tự như khu vực trung tâm của Dubai (UAE).

 

Nhưng xác nhận thông tin này vào thời điểm đó, thì Báo Đầu tư được biết, ngay cả Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, cơ quan lẽ ra có được thông tin đầu tiên về các dự án đầu tư, cũng không hề biết về kế hoạch đó. Thông tin trên các phương tiện truyền thông về dự án này cũng chỉ “nổi” được ít ngày rồi chìm hẳn. Global Sphere sau đó cũng không hề được nhắc tới, ngoài việc thời gian gần đây, tập đoàn này có tuyên bố rút khỏi dự án pin năng lượng mặt trời ở Thừa Thiên Huế.

 

Cũng có cùng khoản vốn đầu tư 30 tỷ USD là dự án thép mà vào năm 2007,  Tập đoàn Eminence (Mỹ) đã tổ chức thuyết trình ở Hà Nội. Kế hoạch của Eminence là đầu tư ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), trong đó giai đoạn đầu có vốn đầu tư 8 tỷ USD. Tuy vậy, sau những ồn ào, thì thông tin được xác minh là Eminence không có năng lực tài chính và tập đoàn này cũng đã “một đi không trở lại”.

 

Nhưng 30 tỷ USD có lẽ chẳng là gì so với khoản đầu tư lên tới 250 tỷ USD của Sama Dubai (UAE). Kế hoạch của nhà đầu tư này là xây dựng một đặc khu kinh tế ở Phú Yên trên diện tích khoảng 300.000 ha, tương đương 60% diện tích toàn tỉnh này. Có lẽ, trong các “siêu dự án” thì Sama Dubai là dự án duy nhất đã được nhà đầu tư trình bày với các cấp có thẩm quyền, thậm chí đã được trình lên Chính phủ. Biên bản ghi nhớ về việc triển khai đầu tư dự án cũng đã được ký kết. Tuy nhiên, sau một thời gian, dự án này cũng bị chìm trong quên lãng. Chính phủ cũng đã yêu cầu tạm ngừng xem xét đầu tư dự án.

 

Nhắc đến các siêu dự án kiểu này, GS-TSKH Nguyễn Mại cũng đã bàn về việc thời gian gần đây, có Công ty cổ phần Phát triển rừng Toàn cầu (RTC, trụ sở tại Nha Trang, Khánh Hòa) thông báo đầu tư 39 tỷ USD để trồng 13.000 ha rừng trên toàn quốc và làm từ thiện. Sau đó, chính Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa đã xác định, có dấu hiệu lừa đảo trong dự án này. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế còn yêu cầu xử lý các quan chức tuyên truyền cho RTC.

 

Thực tế, cũng đã có những cá nhân, tổ chức phải trả giá vì “ảo vọng” vào các dự án có vốn tới cả chục tỷ USD, thậm chí cả trăm tỷ USD này. Vụ việc bị phát hiện mới đây về gói viện trợ 10 tỷ USD của ông Paul Lê Hùng là một ví dụ điển hình. Ông Lê Văn Đăng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang), vừa bị Paul Lê Hùng lừa đảo, vừa bị người khác tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

“Phải cảnh giác với các dự án không tưởng này”, ông Mại nói.

 

Không điều luật nào cấm các nhà đầu tư đề xuất các dự án đầu tư lớn, dù nó lên tới cả trăm tỷ USD. Nhưng cảnh giác với các dự án không tưởng, đúng như GS - TSKH Nguyễn Mại nói, là không thừa. Điều này có ý nghĩa với cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn các cơ quan chức năng, đặc biệt ở các địa phương.

 

Cũng cần phải nhắc lại rằng, các dự án đầu tư quy mô lớn sẽ đều được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và Chính phủ Việt Nam xem xét một cách cẩn trọng.

 

Theo Nguyên Đức

Đầu tư
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước