1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Siết việc “bội thực” giải thưởng cho doanh nhân

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về tình trạng “bội thực” giải thưởng cho doanh nhân để có hướng chấn chỉnh.

Siết việc “bội thực” giải thưởng cho doanh nhân - 1
“Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” là một giải thưởng uy tín (ảnh: Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân trao Cúp “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” cho đại diện doanh nghiệp).

“Có những giải thưởng gắn danh hiệu quốc gia Việt Nam nhưng lại do những tổ chức rất nhỏ đứng ra làm, bất kỳ ai đăng ký cũng được giải, chỉ cần nộp đủ tiền theo yêu cầu của ban tổ chức.

Như thế khác nào bỏ tiền mua giải thưởng!” - ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nói như vậy về tình trạng loạn giải thưởng cho doanh nghiệp (DN), doanh nhân hiện nay.

Hiện nay, có rất nhiều công ty “móc nối” với cơ quan Nhà nước (được cấp phép) để lập giải thưởng, một số giải có tên gọi rất kêu nhưng đơn vị trao giải chỉ là cấp... hội chợ.

Theo Cổng thông tin Thi đua Khen thưởng, Cúp Sen vàng là dành cho các DN dự hội chợ Eximpo Vietnam hằng năm, nơi phát giải là Công ty Hội chợ triển lãm Bắc Hà (Hà Nội). Hoặc Cúp vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng là của hội chợ Vietnam Bestfood và hội chợ Greentech Fair, nơi phát giải là Công ty Cổ phần Hội chợ - Thương mại Quốc tế (Hà Nội)...

Trong số những giải thưởng được DN đánh giá cao, Thương hiệu quốc gia (của Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì), Sao vàng Đất Việt (của Trung ương Đoàn và Hội Doanh nhân trẻ VN), Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu (của Hiệp hội DN TPHCM) cùng hai giải của VCCI là Doanh nhân VN tiêu biểu (Cúp Thánh Gióng), Bông hồng vàng (dành cho nữ doanh nhân) là những điểm sáng.

Ông Phạm Gia Túc cho biết tất cả giải thưởng của VCCI không có cơ chế tự ứng cử mà phải do sự bình chọn từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội... trên cơ sở lập hội đồng xem xét về quan hệ thương mại, đóng thuế, môi trường, bảo đảm quyền lợi người lao động...

Sau đó, hội đồng sẽ bình xét lần hai để chọn đơn vị đoạt giải. Mọi ứng viên đều không phải nộp tiền. “Chúng tôi phản đối việc buộc DN, doanh nhân nộp tiền để xét thưởng” - ông Túc nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng quá nhiều đơn vị đứng ra trao thưởng như hiện nay là không ổn. Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận khác về việc sắp xếp lại hoạt động trao giải, không nên hành chính hóa theo cách quy về các cơ quan Nhà nước hoặc cho phép một số tổ chức được quyền trao giải.

“Chúng ta đã có hệ thống thi đua của Nhà nước (như huân chương, huy chương, danh hiệu Anh hùng Lao động, bằng khen...), nếu giao về các cơ quan Nhà nước sẽ dễ bị các hiệp hội lợi dụng để ràng buộc DN phải tham gia” - bà Lan nói.

Được biết hiện Chính phủ đã giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự thảo quyết định về việc ban hành quy chế quản lý, tổ chức xét tôn vinh và trao giải thưởng cho DN, doanh nhân.
 

Cấm vận động kinh phí từ doanh nghiệp

Dự thảo quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh và trao giải thưởng cho doanh nhân và DN do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét có nội dung đáng chú ý: “Không huy động kinh phí dưới các hình thức đối với doanh nhân, DN, tổ chức và cá nhân trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh và trao giải thưởng”.

Theo Tô Hà - Dương Quang
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm