SHB đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 50% so với năm 2016, chi cổ tức 9%

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ 25 với các cổ đông đại diện cho 697.293.250 cổ phần, chiếm 62,3% tổng số vốn cổ phần có quyền tham dự đại hội.

2017 là năm kết thúc nhiệm kỳ 2012 – 2017 của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) SHB và tại đại hội lần này, các cổ đông đã nhất trí thông qua cơ cấu nhân sự HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2017 – 2022 với 7 thành viên HĐQT gồm: Ông Đỗ Quang Hiển, ông Nguyễn Văn Lê, ông Võ Đức Tiến, ông Thái Quốc Minh, ông Trần Ngọc Linh, ông Phạm Công Đoàn, ông Đỗ Quang Huy và 5 thành viên BKS gồm: ông Phạm Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Đức, bà Nguyễn Thị Hoạt, bà Lê Thanh Cẩm, bà Phạm Thị Bích Hồng.

Bên cạnh đó, các cổ đông cũng đã nhất trí thông qua nhiều nội dung quan trọng khác. Cụ thể như sau: Thông qua Báo cáo thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 – 2017 của Hội đồng quản trị với tỷ lệ tán thành 91,18%; Thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2016 và kế hoạch năm 2017 với tỷ lệ tán thành 90,96%; Thông qua Báo cáo của BKS với tỷ lệ tán thành 90,95%; Thông qua Tờ trình phương án phân phối lợi nhuận 2016 và trích lập các quỹ với tỷ lệ tán thành 90,71%; Thông qua Tờ trình tăng vốn điều lệ năm 2017 với tỷ lệ tán thành 89,52%.


Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lê báo cáo trước toàn thể Đại hội kết quả kinh doanh 2016 và kế hoạch năm 2017

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lê báo cáo trước toàn thể Đại hội kết quả kinh doanh 2016 và kế hoạch năm 2017

Thay mặt ngân hàng, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB đã báo cáo với các cổ đông về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016. Với định hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả, SHB tiếp tục đạt được những tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động kinh doanh, giữ vững vị trí là 1 trong 5 Ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam. So với năm 2015, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản năm tài chính 2016 đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, tổng vốn tự có đạt 16.370,9 tỷ đồng, tăng 31,91%; Vốn điều lệ đạt 11.196,9 tỷ đồng, tăng 18,04%; Tổng tài sản đạt 233.947,7 tỷ đồng tăng 14,3%; Tổng nguồn vốn huy động đạt 214.462,2 tỷ đồng, tăng 16% - trong đó Vốn huy động thị trường I đạt 181.152,8 tỷ đồng, tăng 15%; Tổng Dư nợ cho vay TCKT và cá nhân đạt 162.376,2 tỷ đồng, tăng 30.949 tỷ đồng so với cuối năm 2015, đạt 102,94% kế hoạch năm 2016; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.156,4 tỷ đồng, tăng 13,7%; Tỷ lệ nợ xấu 1,87% - hoàn thành cam kết tại kỳ Đại hội trước là duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% tổng dư nợ.

SHB cũng tuân thủ đầy đủ các quy định về trích lập dự phòng rủi ro, tính đến 31/12, tổng quỹ dự phòng của SHB là 3.427,6 tỷ. SHB sẽ thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông với tỷ lệ 7,5%.


Các cổ đông bỏ phiếu biểu quyết thông qua các nội dung được trình bày tại Đại hội

Các cổ đông bỏ phiếu biểu quyết thông qua các nội dung được trình bày tại Đại hội

Năm 2016 là một năm thành công của SHB với nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của Ngân hàng: Khai trương thành công 2 Ngân hàng con 100% vốn tại Lào và Campuchia, tăng cường sự hiện diện của SHB tại khu vực Đông Dương; Hoàn thành việc nhận sáp nhập Công ty tài chính tiêu dùng VVF, thành lập công ty tài chính tiêu dùng SHB – tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam; Được các tổ chức định chế tài chính lớn trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao về hoạt động an toàn, ổn định, bền vững.

SHB hiện đang triển khai 20 dự án ODA với tư cách là ngân hàng cho vay lại và ngân hàng phục vụ với tổng giá trị 1,5 tỷ USD do các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tài trợ gồm: WB, ADB, JICA, KfW,…Trở thành đối tác đầu tiên và duy nhất của Câu lạc bộ bóng đá Barcelona tại khu vực Đông Dương, mở ra cơ hội kinh doanh lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Đây là chiến lược xây dựng thương hiệu theo cách khác biệt và được tạp chí The Asian Banker tặng giải thưởng “Sáng kiến thương hiệu tốt nhất năm 2016”

Đối với vấn đề tăng vốn điều lệ năm 2017 thêm gần 840 tỷ đồng, từ 11.196,9 tỷ đồng lên gần 12.036,3 tỷ đồng, HĐQT SHB cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của SHB. Nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng đề đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định cho việc phát triển mạng lưới, công nghệ, mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào Công ty Tài chính tiêu dùng SHB.


Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2017 - 2022 ra mắt trước toàn thể Đại hội và cam kết sẽ nỗ lực để đưa SHB ngày càng phát triển, thịnh vượng

Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2017 - 2022 ra mắt trước toàn thể Đại hội và cam kết sẽ nỗ lực để đưa SHB ngày càng phát triển, thịnh vượng

Đại hội đồng cổ đông SHB lần thứ 25 cũng thông qua định hướng, kế hoạch kinh doanh năm 2017 gắn với mục tiêu an toàn, hiệu quả và bền vững. Theo đó, SHB sẽ phát triển ngân hàng bán lẻ theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh với lợi thế luôn tạo sự khác biệt nên trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhân sự chuyên nghiệp. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, am hiểu thị trường, am hiểu khách hàng, SHB cũng sẽ nỗ lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng, hướng tới sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Đại diện cơ quan quản lý, ông Lê Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN TP Hà Nội phát biểu: SHB là ngân hàng tiên phong thực hiện chủ trương tái cấu trúc của Chính phủ, NHNN, nhận sáp nhập thành công ngân hàng HBB và có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề tồn đọng của HBB. Sau 4 năm, về cơ bản SHB đã hoàn thành mục tiêu của đề án sáp nhập. SHB cũng đã đề ra kế hoạch 2017 phù hợp với chính sách tiền tệ của NHNN, khá sát với định hướng chung của toàn ngành. NHNN tin tưởng và hy vọng HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới sẽ phát huy năng lực để đưa SHB ngày càng phát triển hơn nữa.

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển đã trực tiếp đối thoại với các cổ đông. Một số nội dung được các cổ đông đặc biệt quan tâm trong kỳ đại hội này là vấn đề cổ tức, kế hoạch kinh doanh năm 2017 và kế hoạch hoạt động của Công ty Tài chính tiêu dùng SHB. Về đề nghị chia cổ tức bằng tiền mặt, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển phân tích: SHB là một trong những ngân hàng được chia cổ tức và chia bằng cổ phiếu. Mặc dù đề nghị của cổ đông được chia cổ tức bằng tiền mặt là chính đáng, tuy nhiên, chủ tịch cũng mong muốn cổ đông chia sẻ, vì điều này nhằm đảm bảo tăng năng lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngân hàng, tiến tới đảm bảo các chuẩn mực quốc tế về hoạt động an toàn theo Basel II, Basel III.

Trước lo ngại của cổ đông về việc SHB có tham vọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2017 tăng 50% so với năm 2016, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển chia sẻ, kế hoạch năm 2017 là có cơ sở và hoàn toàn khả thi. Việc xây dựng kế hoạch được SHB thực hiện trên cơ sở có nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tiềm năng và dự báo các chính sách vĩ mô, vi mô, đánh giá khách hàng, đối thủ cạnh tranh...

Kế hoạch của SHB là tăng lợi nhuận từ các dịch vụ gia tăng, đảm bảo 20 - 25% lợi nhuận từ nguồn thu dịch vụ, tiến tới 30 – 35% theo chuẩn quốc tế. Ngoài dịch vụ tài chính, SHB sẽ phát triển các dịch vụ phi tài chính, trong đó phải nói đến việc hợp tác với các công ty bảo hiểm. Hiện có tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn của nước ngoài đang thương thảo hợp tác với SHB và sẵn sàng chi trả phí độc quyền là 500 tỷ đồng trong năm đầu tiên, 500 tỷ đồng cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, SHB vẫn đang cân nhắc và đàm phán thêm.


Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông lần thứ 25 của SHB

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông lần thứ 25 của SHB

Bên cạnh đó, việc đưa Công ty Tài chính tiêu dùng SHB vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận của SHB năm 2017. Hiện công ty đã được chính thức thành lập theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước, đã hoàn tất các thủ tục về đăng ký kinh sdoanh và đang triển khai việc tuyển dụng nhân sự trong đó có việc tuyển dụng Tổng Giám đốc và các nhân sự chủ chốt của Công ty.

Dự kiến, công ty sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2017 và bắt đầu có doanh thu từ quý III/2017 với kế hoạch lợi nhuận là trên 100 tỷ, dự kiến trong năm sau lợi nhuận sẽ tăng trưởng vượt bậc. Công ty có định hướng rõ ràng về hoạt động bán lẻ, lĩnh vực có nhiều lợi thế so với hoạt động của ngân hàng thương mại. Đặc biệt, thế mạnh của SHB là có nhiều khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty lớn; khi kết hợp với thế mạnh của Công ty Tài chính Tiêu dùng sẽ dễ dàng tăng trưởng bán lẻ trong bán buôn.