Sếp lớn “đeo mo” xin trả suất nhà đất ngoại giao

Là lãnh đạo một cơ quan nhà nước, ông được các doanh nghiệp bất động sản ưu ái vài suất ngoại giao để làm ăn. Đầu tư chưa được bao lâu, ông đã chết khiếp vì phải ôm bọc nợ vào người.

Quan hệ rộng “chết” nhiều

 

Có quan hệ với khá nhiều chủ đầu tư dự án BĐS, ông N.M.T đăng ký mua suất ngoại giao của hơn chục dự án. Thời kỳ BĐS “nóng rẫy”, chỉ cần bán qua tay, ông T. đã đút ví hàng trăm triệu đồng mà không phải bỏ đồng vốn nào đầu tư. Cách làm ăn dễ dàng mà béo bở này không phải ai cũng có được, chỉ những người có vai vế và tầm ảnh hưởng tới DN mới được vinh dự này.

 

Nói là ưu ái nếu vào thời điểm BĐS đang nóng thì đúng, còn khi BĐS đóng băng, việc ôm các suất ngoại giao chẳng khác gì gánh nợ cho cả chủ đầu tư lẫn người được hưởng. Như ông T. giờ đang phải è cổ tìm mọi cách để bán bớt đi. “Nhiều dự án mình đích thân mở mồm xin DN nên giờ bảo trả lại cũng ngại, để đầu tư thì thực tình không có vốn”, ông T. lo lắng. Tiến thoái lưỡng nan, ông đang đau đầu về cục nợ này.
 
Sếp lớn “đeo mo” xin trả suất nhà đất ngoại giao

 

Trưởng ban của một cơ quan truyền thông, chị Lê cũng được ba bốn chủ đầu tư dự án mời gọi mua suất ưu đãi. Không nhanh chân, chị bị mắc kẹt tại một dự án căn hộ ở Hà Đông. Đóng tiền theo tiến độ, cứ vài ba tháng chị lại phải rút tiền tiết kiệm ra để đóng cho chủ đầu tư. Cuối năm ngoái, chị chấp nhận cắt lỗ để thoát hàng.

 

“Cứ nghĩ tới chuyện đổ xô đi xin suất ngoại giao giờ mình vẫn sợ. Ngon ăn nhưng mà cũng dễ chết nếu không có vốn”, chị Lê chia sẻ. Cơ quan chị cũng khá nhiều trường hợp như vậy. Thời điểm này, ai cũng ngao ngán vì mắc kẹt tiền vào các dự án. “Không quen biết thì thôi, chứ càng quen nhiều càng đầu tư, càng chết”, chị Lê cho hay.

 

Đối với các sếp lớn, việc trả lại cho chủ đầu tư đơn giản chỉ cần một cú điện thoại. Còn với sếp bé không phải là chuyện đơn giản. Đơn cử như trường hợp của chị T.H.L, trưởng phòng một cơ quan nhà nước. Qua các mối quan hệ, chị L được một chủ dự án BĐS nghỉ dưỡng ở Ba Vì ưu đãi 3 lô đất với giá mềm hơn so với thị trường. Nghĩ là chỗ người thân và cũng kỳ vọng vào thị trường, chị L. gom vốn ngân hàng để đầu tư với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

 

Cơn sốt đất đi qua nhanh chóng, số tiền lãi từ mấy lô đất đó vụt bay, để lại gánh nặng lớn cho chị. Cả năm nay, chủ đầu tư không động tĩnh gì, dự án thì chưa có sổ đỏ, không biết đến bao giờ mới bán được mà thoát hàng. Tới thời điểm này, chị chấp nhận lỗ một nửa mà vẫn ế. “Mình hỏi chủ đầu tư thì họ bảo làm ăn lời thì hưởng, lỗ thị chịu không giúp được gì”, chị L. ngán ngẩm.

 

Đồng cảnh ngộ như chị L., chị Nga, cán bộ một cơ quan cho hay, chị đang chôn vốn gần 1 tỷ đồng mua đất ưu đãi của dự án với 3 lô đất, số tiền góp vốn 20% mỗi lô cũng lên tới 300 triệu đồng. “Lúc đó ai cũng ham bởi quen thân mới mua được suất đó. Tính là mua bán luôn, giờ thì tham thành thâm rồi”, chị buồn rầu. Theo chị Nga, mỗi tháng chị đang phải è cổ đi làm để trả lãi ngân hàng.

 

“Sếp trong phòng cũng chung số phận như mình nhưng bà ấy còn trả được chủ đầu tư để lấy lại tiền, còn mình thì khó. Giờ có rút vốn chủ đầu tư cũng chẳng có tiền để mà trả”, chị Nga ngậm ngùi.

 

“Đeo mo” xin doanh nghiệp

 

Tìm mọi cách hoãn binh không được, chẳng còn cách nào khác, những ông lớn trót ôm suất quan hệ phải chấp nhận “mặt dày” trả lại cho chủ đầu tư. Đại diện một doanh nghiệp thừa nhận, họ đã nhận được không ít lời đề nghị xin trả lại suất ngoại giao trong khi trước đó khách hàng năn nỉ mua bằng được. “Tùy vào mối quan hệ và độ VIP để chủ đầu tư ưu tiên giải quyết. Cách đây hai năm thì còn có tiền mà trả lại số đã góp vốn hoặc đẩy hàng đi được, chứ thời điểm này chủ đầu tư cũng... kiếu”, vị này cho hay.
 
Sếp lớn “đeo mo” xin trả suất nhà đất ngoại giao

 

Nghĩ tới việc trả lại suất ưu đãi, chị T.H.L ban đầu cũng ngại vì trước đó đã phải nhờ cậy lắm mới xin được. Tuy nhiên, số tiền chôn vốn tại 3 lô đất đó khiến chị đứng ngồi không yên. Chị đành phải gặp chủ đầu tư để thương lượng, nhờ quan hệ thân thiết mà họ có thể linh động cho chị. Tuy nhiên, bản thân chủ đầu tư cũng đang lao đao trong cơn đóng băng của nhà đất, dự án không bán được. “Thị trường khó khăn, có thân mấy họ cũng lắc đầu, chỉ dại là mình đã trót đóng tiền rồi”, chị L. kể.

 

May mắn hơn chị L., ông T. với mối quan hệ rộng nên chưa phải đóng tiền cho chủ đầu tư, vì thế xin trả lại dù có ngại nhưng không tốn kém đồng nào. “Anh cũng đang khó khăn, chú thông cảm”, ông động viên chủ đầu tư.

 

Về phía các doanh nghiệp, việc tặng các đối tác, lãnh đạo bằng suất ngoại giao là một cách để làm thân. Tuy nhiên, khi thị trường BĐS đóng băng, họ cũng méo mặt khi phải giải quyết những trường hợp này. Một chủ đầu tư dự án ở Hà Đông chia sẻ, đơn vị này có hơn 20 suất ngoại giao nhưng tới nay số người đóng tiền chỉ trên đầu ngón tay.

 

“Suất ngoại giao chỉ khác các suất bình thường ở giá chiết khấu hay thời kỳ nóng sốt không phải mua chênh, nhưng họ vẫn phải đóng tiền cho chủ đầu tư theo đúng hợp đầu. Nói là vậy nhưng để đòi tiền mấy ông lớn này không phải là điều đơn giản. Nhiều vị lãnh đạo, chủ đầu tư cũng không có gan để hỏi. Không ít trường hợp các sếp còn quên rằng mình có đăng ký mua ở dự án này và mặc nhiêu lờ đi nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư”, ông cho hay. Chỉ tính sơ sơ với giá trị số căn hộ ngoại giao chưa thu được tiền, DN này đang bị nợ hàng chục tỷ đồng.

 

Theo Duy Anh

VEF