Sẽ thành lập công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
(Dân trí) - Để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành nghiên cứu phát triển thêm một số hình thức hỗ trợ xuất khẩu mới và một trong số đó là Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là hình thức khá phổ biến trên thế giới nhưng lại chưa được áp dụng tại Việt Nam. Khi được triển khai, Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phát triển mặt hàng và thị trường xuất khẩu.
Trước mắt, các cơ quan chức năng đang xúc tiến thành lập một công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm cung ứng loại hình bảo hiểm mới trên.
Tại Hội thảo quốc tế “Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu” diễn ra ngày 20/3 tại TPHCM, ông Trịnh Thanh Hoan, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Bộ Tài chính, đã trả lời một số câu hỏi của PV xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, việc triển khai dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu liệu có được các doanh nghiệp trong nước hưởng ứng ngay không?
Hiện nay, khi đàm phán xuất hàng, các doanh nghiệp trong nước còn lúng túng không biết sản phẩm sẽ gặp bất trắc gì. Đó là rủi ro trong vận chuyển, tín dụng, những rủi ro chính trị, chiến tranh, thay đổi tỷ giá…
Khó khăn lớn nhất là hiểu biết các nhà xuất khẩu trong nước còn hạn chế. Dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tại Việt Nam còn mới so thế giới nên chưa được quan tâm đúng mức.
Xin ông cho biết những điều kiện doanh nghiệp tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu?
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 5 năm qua, xuất khẩu chiếm 50-70% GDP/năm với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, ước đạt 45 tỷ USD năm 2007. Mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2010, tổng doanh thu bảo hiểm phải đạt 4,2% trong GDP. Trong khi đó, năm 2007, mới chỉ đạt 2% GDP. |
Theo ông, doanh nghiệp nên mua bảo hiểm như thế nào để tránh những thiệt hại do thay đổi tỷ giá?
Chúng ta có thể đưa ra 2 hình thức thanh toán bảo hiểm bằng USD hay tiền đồng (VND). Nếu khách hàng đóng phí bằng VND thì hưởng bồi thường bằng VND. USD cũng vậy, hai thứ đó có mối quan hệ khăng khít với nhau.
Khi doanh nghiệp thấy cái gì có lợi thì đơn vị đó thỏa thuận với công ty bảo hiểm chứ không thể áp đặt người ta được. Nhưng, các doanh nghiệp phải thỏa thuận cụ thể về biên độ dao động tỷ giá. Đơn vị làm dịch vụ chỉ bảo hiểm trong một biên độ nào đó chấp nhận được chứ nếu cao quá ngoài tầm kiểm soát thì không thể chi trả thiệt hại cao như thế.
Bao giờ chúng ta có thể thành lập công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tại Việt Nam?
Chính phủ đang khuyến khích xuất khẩu để thu ngoại tệ từ các nước. Vì vậy, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đang xúc tiến với thời gian sớm nhất để thành lập công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Công ty này sẽ được thành lập với hình thức tương hỗ, cổ phần hoặc 100% vốn nhà nước. Chúng tôi ủng hộ thành lập công ty vốn nhà nước.
Trong điều kiện có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như hiện nay, nếu chỉ có 1 doanh nghiệp làm dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu liệu có cáng đáng hết công việc?
Theo tôi, công ty này sẽ có nhiều chi nhánh tại các địa phương thực hiện nhịp nhàng công việc. Thực ra, cũng có những mặt trái là hạn chế tính năng động trong cạnh tranh dịch vụ.
Nhưng nếu nhà nước độc quyền thì nhà nước có cơ chế riêng chịu trách nhiệm về quy chế hoạt động cũng như quyền lợi của khách hàng.
Như vậy thì có sợ tình trạng cơ chế độc quyền nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra không?
Tôi nghĩ, chắc chắn sẽ không có tình trạng độc quyền bởi nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa các công ty bảo hiểm. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tính kết hợp với các đơn vị bảo hiểm khác. Năm 2008, sẽ có 5 - 10 công ty bảo hiểm mới ra đời tại Việt Nam.
Tôi đang đệ trình lên Chính phủ về việc thành lập 1 công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong giai đoạn đầu. Trong quá trình thảo luận sẽ có nhiều ý kiến khác nhau và Chính phủ sẽ quyết định.
Nguyên Tuấn