1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sẽ khó lập ngân hàng mới

Hiện có hai quan điểm về thành lập mới ngân hàng: Quan điểm cởi mở, cho phép thành lập thêm và quan điểm thứ hai là cân nhắc, thận trọng. Quan điểm thứ hai đang chiếm ưu thế hơn.

Dự thảo lần thứ 5, Nghị định về tổ chức, quản trị của ngân hàng thương mại vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra xin ý kiến các bộ, ngành, cũng như các ngân hàng thương mại.

Theo Dự thảo, mức vốn pháp định để thành lập một ngân hàng mới được nâng lên 5.000 tỷ đồng, cao hơn mức vốn điều lệ của bất kỳ ngân hàng thương mại cổ phần nào đang hoạt động trên thị trường hiện nay.

Điều đó cho thấy một quan điểm khá rõ trong việc hạn chế thành lập các ngân hàng thương mại mới tại Việt Nam. Tất nhiên, đây cũng mới là dự thảo, cần tiếp tục hoàn thiện.

Trên thực tế, Dự thảo Nghị định quy định rất nhiều vấn đề liên quan đến việc cơ cấu tổ chức, phân định chức năng các bộ phận của ngân hàng, từ hội đồng quản trị, thành viên đến các chức danh tổng giám đốc (giám đốc)...

Điều kiện thành lập một ngân hàng thương mại mới chỉ là một phần nhỏ trong đó. Tuy nhiên, quan điểm chung về thành lập mới ngân hàng lại thu hút được sự quan tâm của không chỉ doanh nghiệp trong nước có ý định thành lập ngân hàng riêng của mình, mà cả các ngân hàng nước ngoài có ý định mở ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), hiện có hai quan điểm về thành lập mới ngân hàng.

Quan điểm thứ nhất là cởi mở, cho phép thành lập thêm, với lý do là, tới đây, Việt Nam sẽ phải cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con tại Việt Nam theo lộ trình cam kết hội nhập, vì thế, cũng nên cho phép các nhà đầu tư trong nước thành lập ngân hàng mới.

Quan điểm thứ hai là cân nhắc và thận trọng. Cá nhân ông Dũng nghiêng về quan điểm này, với lý do là, bản thân các ngân hàng đang hoạt động hiện vẫn trong quá trình cải tổ để tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập.

Thêm vào đó, thời gian qua, việc các ngân hàng không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động đã dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau rất lớn trên thị trường, nếu thành lập thêm các ngân hàng mới, sẽ khiến sự cạnh tranh trở nên dữ dội hơn, đặc biệt là cạnh tranh về giá (lãi suất) và nới lỏng điều kiện cho khách hàng. Điều này rất có thể gây ra tình trạng các ngân hàng chấp nhận kinh doanh mạo hiểm và rủi ro là khó tránh khỏi.

Nhưng quan trọng hơn, ông Dũng tỏ ra quan ngại về khả năng quản lý khi mở rộng thêm các ngân hàng trên thị trường. Về vấn đề này, nhiều lãnh đạo ngân hàng, mặc dù đặt câu hỏi về căn cứ để đặt ra mốc 5.000 tỷ đồng, nhưng vẫn tỏ ra đồng tình với quan điểm hạn chế thành lập mới ngân hàng.

Thực ra, quan điểm hạn chế thành lập mới ngân hàng đã được nhắc tới từ lâu. Nhiều lãnh đạo ngân hàng, cũng như các chuyên gia ngân hàng đã không ít lần nói thẳng rằng, Việt Nam “vừa thừa, vừa thiếu” ngân hàng.

Thừa về số lượng ngân hàng, nhưng thiếu về chất lượng, thiếu sự đa dạng dịch vụ, thiếu tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp, quanh đi quẩn lại vẫn tập trung chủ yếu vào huy động và cho vay, dẫn đến cạnh tranh gay gắt về lãi suất và điều kiện vay.

Trong khi đó, các dịch vụ gia tăng trong thanh toán, rồi các dịch vụ ngân hàng hiện đại như Home Banking, Internet Banking... vẫn chưa triển khai được. Đấy là còn chưa kể, thái độ và quan điểm phục vụ của các ngân hàng còn yếu.

Thực trạng này, cộng với bản thân cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước cũng đang trong quá trình cải tổ về mặt tổ chức, nghiệp vụ để nâng cao khả năng quản lý, chính là những lý do dẫn tới quan điểm cho rằng, nên tập trung cải tổ các ngân hàng hiện có để nâng cao sức cạnh tranh, thay vì thành lập mới.

Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang khuyến khích các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô hoạt động. Đây cũng là xu hướng khá phổ biến tại châu Á. Không chỉ những nước đã phát triển như Nhật Bản, Singapore, mà cả những nước đang phát triển như Thái Lan cũng đều theo hướng này.

Tất nhiên, hạn chế không thể bằng mệnh lệnh hành chính là không cho thành lập, mà phải bằng các điều kiện vốn, kỹ thuật. Quan điểm này thể hiện khá rõ trong Dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến các bộ, ngành.

Ngoài điều kiện về vốn khá cao, việc thành lập một ngân hàng mới còn phải đáp ứng các điều kiện khác, như cổ đông sáng lập phải có khả năng hỗ trợ ngân hàng thương mại về tài chính khi ngân hàng này gặp khó khăn trong kinh doanh và mất khả năng chi trả; cổ đông sáng lập phải có khả năng quản trị và quản lý rủi ro ngân hàng...

Theo Đầu tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm