Sẽ huy động vàng trong dân theo cách nào?

Thị trường vàng lại nóng lên khi một số chuyên gia kinh tế lên tiếng chỉ trích chính sách quản lý vàng hiện nay. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, huy động vàng trong dân là vấn đề đang được tính tới, nhưng sẽ không huy động theo dạng “tiết kiệm” như trước.

Nhắc lại một vấn đề cũ, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện có hàng trăm tấn vàng nằm trong dân, trong khi nền kinh tế thiếu ngoại tệ cho đầu tư phát triển.

 

Do đó, việc huy động vàng trong dân là rất cần thiết nhằm giảm áp lực vay nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối, giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm nguồn lực để điều tiết thị trường vàng.

 

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, huy động vàng trong dân là vấn đề đang được tính tới

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, huy động vàng trong dân là vấn đề đang được tính tới 

 

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, Ngân hàng Nhà nước nên huy động bằng cách trực tiếp phát hành chứng chỉ vàng.

 

Tuy nhiên, cần quy định người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây.

 

Từ đó, vốn vàng có thể được sử dụng làm một nguồn lực dài hạn cho đầu tư phát triển.

 

Chia sẻ kiến nghị này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank cũng cho rằng, huy động vàng trong dân là cần thiết.

 

Bản thân ông đã từng viết Đề án Huy động vàng trong dân gửi Ngân hàng Nhà nước.

 

"Có nhiều cách để huy động nguồn vốn này trong dân, như huy động nguồn vốn bằng vàng sau đó gửi nước ngoài dưới hình thức gửi tiết kiệm và số vàng tiết kiệm đó làm tài sản đảm bảo để vay ngoại tệ. Ngoài ra, có thể huy động vàng rồi bán ra để lấy VND đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với hình thức này, phải sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro trượt giá", ông Trúc nói.

 

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, luồng ý kiến phản bác cho rằng, huy động vàng, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng khiến tình trạng vàng hóa gia tăng và kích thích tâm lý tích trữ vàng. Vay vốn bằng vàng, dù đã bớt rủi ro vì bảo hiểm trượt giá, thì vẫn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia trong tương lai. Chưa kể, trong bối cảnh vốn ngân hàng đang ứ thừa hiện nay, việc đặt vấn đề huy động vàng là chưa cần thiết.

 

Dĩ nhiên, việc các chuyên gia lo lắng, sốt ruột khi một lượng vàng lớn nằm “chết” trong dân là dễ hiểu. Song có lẽ còn đáng lo hơn nếu lượng vàng được “bơm” ra nền kinh tế một cách không hiệu quả. Nếu không khéo, an toàn của hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Việc các ngân hàng trả giá quá đắt vì huy động vàng thời gian trước đây chính là bài học khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng.

 

Trả lời vấn đề mà dư luận quan tâm, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) nhận định: “Huy động vàng trong dân là một nội dung rất lớn mà Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai trong thời gian tới. Vấn đề huy động, cho vay bằng vàng đã chấm dứt, quan hệ trên thị trường chuyển sang hoàn toàn là quan hệ mua - bán”.

 

Theo ông Huy, việc huy động vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng là vấn đề dài hạn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kinh tế vĩ mô cần được duy trì ổn định; giá trị của đồng Việt Nam cần được duy trì và được nâng cao; cơ hội sản xuất, kinh doanh và đầu tư cần được mở rộng. Khi đó, bản thân người dân sẽ tính toán lợi ích giữa việc giữ vàng hay bán vàng để đầu tư.

 

“Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để chuyển hóa nguồn vàng này thành nguồn vốn để đầu tư cho nền kinh tế”, ông Huy nhấn mạnh.

 

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái khẳng định quan điểm chỉ huy động vàng trong dân theo quan hệ mua - bán, kiên quyết xóa sổ huy động vàng trong hệ thống ngân hàng.

 

Với sự quyết liệt này, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được một số thành công nhất định, giảm bớt tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Song nhìn rộng ra thế giới, không có nước nào tràn lan vàng vật chất như Việt Nam. Bởi vậy, nếu vẫn không chấp nhận giải pháp sàn vàng, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sớm tìm ra câu trả lời khác cho thị trường vàng Việt Nam.

 

Theo Hà Tâm

Đầu tư