Sẽ điều tra giao dịch chứng khoán của các tổ chức

(Dân trí) - Theo ông Hoàng Đức Long, Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau khi phát hiện và xử phạt nhà đầu tư cá nhân vi phạm, thời gian tới Thanh tra chứng khoán sẽ vào cuộc điều tra giao dịch chứng khoán đối với cả tổ chức trong và ngoài nước.

Vừa qua, Thanh tra chứng khoán đã xử phạt hai nhà đầu tư cá nhân liên quan tới việc thao túng giá đối với chứng chỉ quỹ VF1. Ông có thể nói rõ hơn về vi phạm của hai nhà đầu tư này?

Qua theo dõi diễn biến chứng chỉ quỹ VF1 trong một thời gian dài, chúng tôi đã phát hiện ra giá của VF1 bị thao túng trước khi chuẩn bị tăng vốn từ 500 tỷ lên 1.000 tỷ. Cụ thể, hai nhà đầu tư này hợp tác với nhau, bên này bán thì bên kia mua và ngược lại.

Và họ cũng chuyển tiền cho nhau để cùng mua với một số lượng rất lớn, có những ngày tới trên 500.000 chứng chỉ, chiếm tới 49% giao dịch toàn thị trường của chứng chỉ quỹ VF1. Điều này đã khiến giá của VF1 trên thị trường chứng khoán xuống thấp dưới giá bỏ lệnh.

Theo đó, tất cả lệnh của các nhà đầu tư khác không mua được, không bán được. Chỉ có 2 người mua - bán với nhau. Và cách họ nộp tiền cũng lòng vòng với nhau, người này nộp tiền sang người kia. Hiện tại, hai nhà đầu tư vi phạm này đã nộp tiền phạt và tuân thủ quyết định của Thanh tra Chứng khoán.

Có một số ý kiến cho rằng, khâu công bố thông tin về xử phạt của Thanh tra chứng khoán đối với các vi phạm được phát hiện còn chung chung và không được cập nhật?

Chúng tôi không bí mật các vụ việc vi phạm. Nhưng vì yêu cầu và đặc thù của công tác thanh tra, trong quá trình điều tra, các thông tin, quy trình và những vi phạm, dấu hiệu cụ thể không được công bố ngay tại thời điểm đó. Bởi có những quá trình chúng tôi “điều tra dấu vết”, nếu các trường hợp vi phạm nắm được hành vi của chúng tôi thì họ sẽ xoá dấu vết điều tra của chúng tôi.

Khó khăn lớn nhất của công tác tiến hành điều tra nghi vấn các vi phạm trong giao dịch chứng khoán hiện nay là gì, thưa ông?

Để “bắt” được một nhà đầu tư cá nhân vi phạm, chúng tôi phải tìm kiếm trên 250.000 tài khoản trên thị trường. Đây là một việc làm khó, mất nhiều thời gian, công sức, trong khi lực lượng Thanh tra chứng khoán lại mỏng và còn những khó khăn trong công nghệ...

Tuy nhiên, điểm mà tôi lo ngại nhất trong quá trình điều tra là những vi phạm có liên quan đến công tác kiểm toán.

Ông có thể nói rõ hơn về lo ngại này?

Hiện nay, chúng tôi cũng đã phát hiện những trường hợp kiểm toán không chính xác, nhưng để phát hiện những trường hợp này khá khó khăn bởi yêu cầu chuyên môn cao. Vừa rồi có vụ việc chúng tôi phải nhờ kế toán kiểm toán của Bộ Tài chính để thẩm định.

Ông có cho rằng, xử phạt vi phạm chứng khoán nên có quy định phạt tù bên cạnh việc phạt tiền như hiện nay hay không?

Đúng là mức xử phạt hiện chưa đủ răn đe. Để thay đổi mức phạt cần thay đổi pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Chúng tôi cũng đang đề nghị sửa đổi Luật Chứng khoán, nâng mức phạt để tăng tính răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Mức phạt hiện nay không còn phù hợp, không đủ sức răn đe. Còn việc xử phạt ở mức nào không thể tuỳ tiện nâng lên đặt xuống mà phải theo điều khoản quy định của pháp luật.

Còn đối với các vi phạm trên thị trường chứng khoán liên quan đến Luật Hình sự, chúng tôi đang chủ động nghiên cứu để xây dựng thông tư, sớm phối hợp với Bộ Công an.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền