Sẽ “đánh giá” lại giá điện giờ cao điểm sáng
(Dân trí) - Sau khi có nhiều ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp và địa phương xung quanh việc áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng, chiều 27/3, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp báo và cho biết sẽ đánh giá lại tình hình để đưa ra các biện pháp cụ thể.
Công suất giờ cao điểm sáng cao hơn cao điểm tối.
Doanh nghiệp đã được hưởng chính sách bao cấp thông qua giá điện
Theo thông tư 05 của Bộ Công Thương, giá bán điện được quy định theo thời gian sử dụng điện trong ngày gồm giá giờ bình thường, giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Trong đó, giờ cao điểm được quy định từ 9h30 đến 11h30 và từ 17h đến 20h vào các ngày thứ hai đến thứ bẩy, ngày chủ nhật không có giờ cao điểm.
Giải thích về việc vì sao có giờ cao điểm sáng, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết: Trước năm 2007, hệ thống điện Việt Nam có tỷ trọng công suất cao nhất là thành phần ánh sáng sinh hoạt và dịch vụ nên cao điểm hệ thống rơi vào các giờ buổi tối từ 17h đến 22h.
Tuy nhiên, do nhu cầu điện cho sản xuất trong những năm qua luôn tăng rất cao nên từ năm 2007, điện cho sản xuất đã chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 50% tổng sản lượng điện), do đó giờ cao điểm hệ thống điện đã dịch chuyển một phần sang buổi sáng từ khoảng 9h đến 12h.
Vì vậy, công suất hệ thống điện vào cao điểm sáng đã cao hơn công suất vào các giờ cao điểm tối. Giá phát điện của hệ thống điện cũng sẽ là cao nhất vào các giờ cao điểm.
Trong khi đó, biểu giá điện bán lẻ cũ áp dụng cho năm 2007 và 2008 chưa quy định giá điện giờ cao điểm sáng thực chất là chưa theo kịp thay đổi của thực tế và người sử dụng điện vào các giờ cao điểm sáng khi đó đã được hưởng lợi từ giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện của các giờ cao điểm.
“Nói cách khác là một cách gián tiếp các doanh nghiệp đã được hưởng chính sách bao cấp của Chính phủ thông qua giá điện” - ông Thắng nói.
Doanh nghiệp sản xuất 1 ca ảnh hưởng nhiều nhất
Theo tính toán của Bộ Công Thương, đối với doanh nghiệp sản xuất 3 ca, 7 ngày 1 tuần, nếu không áp dụng biện pháp giảm tải giờ cao điểm hoặc biện pháp tránh giờ cao điểm (nghĩa là sản xuất giờ cao điểm như giờ bình thường hoặc giờ thấp điểm) thì chi phí tiền điện tăng thêm sẽ vào khoảng 1%.
Tương tự, đối với doanh nghiệp sản xuất 2 ca (từ 6h - 22h), 6 giờ 1 tuần, chi phí tiền điện sẽ tăng thêm khoảng 4,6%; Riêng doanh nghiệp sản xuất 1 ca (từ 7h đến 17h) sẽ cao nhất với chi phí tiền điện tăng thêm khoảng 18%.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm những phụ tải không thiết yếu vào giờ cao điểm hoặc dịch chuyển giờ làm việc để tránh giờ cao điểm sáng thì chi phí tiền điện tăng thêm do ảnh hưởng của việc áp dụng giờ cao điểm sáng sẽ thấp hơn đáng kể so với mức tính toán trên.
Tại cuộc họp báo, đã có nhiều ý kiến cho rằng, ảnh hưởng từ việc tăng giá điện không chỉ dừng lại ở đó. Bởi nếu áp dụng biện pháp tránh giờ cao điểm, nghĩa là doanh nghiệp phải thay đổi ca sản xuất, như vậy chi phí lao động sẽ tăng cao hơn do phải làm ngoài giờ hoặc khi khởi động lại máy móc cũng khá tốn kém…
Về vấn đề này, theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, việc áp dụng giờ cao điểm sáng là cần thiết, doanh nghiệp buộc phải tính toán để có hiệu quả kinh doanh cao nhất.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, trước những thông tin phản ánh những khó khăn của các doanh nghiệp khi áp dụng giờ cao điểm sáng, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập hợp các số liệu về tác động thực tế của việc điều chỉnh này lên các đối tượng sử dụng điện khác nhau (sản xuất 1 ca, 2 ca, 3 ca) cũng như làm việc với các địa phương và doanh nghiệp nhằm đánh giá đúng tình hình.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra của đoàn công tác, đồng thời từ ngày 1/4/2009, sau khi có hoá đơn tiền điện của tháng đầu tiên thực hiện quy định này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan đánh giá chi tiết những tác động từ chính sách và đưa ra các biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho từng nhóm đối tượng sử dụng điện.
Lan Hương