1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sau tiết giảm, các “ông lớn“ hành động để tăng niềm tin

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định yêu cầu tiết giảm chi phí quản lý là một phần của Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ vừa thông qua và chuẩn bị ban hành.

Người đứng đầu ngành tài chính với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, được đánh giá cao về chuyên môn cũng như bản lĩnh điều hành một Bộ “xương sống” của nền kinh tế đất nước đã “nhìn xa” ngay khi  “hiệu triệu” các “ông lớn” tiết giảm chi phí, lượng hóa yêu cầu này chứ không chỉ đạo chung chung.
 
Sau tiết giảm, các “ông lớn“ hành động để tăng niềm tin - 1
Sau các buổi lễ ký cam kết, điều dư luận cũng như Bộ trưởng Huệ mong muốn, yêu cầu từ các Tập đoàn là phải hành động cụ thể

Ngày thứ 10 kể từ sau khi Bộ trưởng Huệ “tuyên bố” các “ông lớn” phải tiết giảm 5-10% chi phí. 7 Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đăng ký tiết giảm với số tiền tiết kiệm được tới hơn 3000 tỷ đồng.

 

Sự giám sát quá trình tiết giảm chi phí, tăng niềm tin của các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước của chính người dân và báo giới chính là sự ủng hộ dành cho Bộ trưởng Huệ để ông không đơn độc trong cuộc chiến đổi mới, cải cách, đáp ứng hoàn toàn kỳ vọng của người dân ở vai trò là người đứng đầu ngành tài chính..

Song, ngành ngành tổ chức lễ ký cam kết rình rang, tốn kém để tuyên bố ngành mình sẽ cắt giảm vài trăm tỷ hẳn không phải là “mục tiêu” mà một người thông minh như Bộ trưởng Huệ mong muốn đạt đến.

 

Bộ trưởng Huệ không đơn giản như thế.

 

Cách đây 10 hôm, hôm 14/2 ở hội nghị của Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm, khi đặt vấn đề các tập đoàn và tổng công ty tiết giảm chi phí, Bộ trưởng Huệ nói đây là "mệnh lệnh thực thi theo Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội". Ông cũng nói ngay để các “ông lớn” hiểu rõ việc cắt giảm chi phí là quan trọng song “vấn đề cốt lõi, phải làm khẩn trương đó là nâng cao năng lực quản trị của khối doanh nghiệp này.

 

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Huệ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chỉ ra một thực tế, đó là nếu cắt giảm chi phí quản lý mà hệ thống quản lý tồi đi thì hệ quả này có thể còn tồi tệ hơn. Do vậy, việc tiết giảm phải đi đôi với nâng cao chất lượng quản lý.

 

Rõ ràng, sau những tuyên bố tiết giảm chi phí quản lý, các “ông lớn” phải cấp thiết thay đổi hệ thống quản lý và tăng cường hiệu quả năng lực cạnh tranh.

 

Tổng giám đốc Tập đoàn Vincomin Lê Minh Chuẩn cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu theo lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, minh bạch đặc biệt cơ chế khoán quản chi phí, điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh và đầu tư đổi mới công nghệ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.  Đồng thời, thực hiện công khai minh bạch quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả nhất.

 

“Ông lớn” Petrolimex- Tập đoàn từng bị Bộ trưởng Huệ quyết làm rõ lỗ lãi với phát ngôn làm nức lòng dư luận: “ tôi vì 80 triệu người dân”,“không chấp nhận bất cứ một chi phí hay một khoản lỗ nào do doanh nghiệp gây ra mà đổ cho nhà nước và người dân gánh chịu”, đơn vị thứ 7 ký cam kết tiết giảm chi phí cam kết đạt trị giá tiết giảm 137 tỷ đồng, tương đương tiết giảm 15 đồng/lít,kg xăng dầu xuất bán trong năm 2012 và coi đây là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm tái cấu trúc lại sau cổ phần hoá Petrolimex.

 

Tập đoàn HUD cùng với việc ký cam kết tiết giảm chi phí đã đưa ra đề cương tái cơ cấu Tập đoàn. Ông Nguyễn Đăng Nam - Chủ tịch Tập đoàn- cho biết sẽ hoàn thành ngay trong quý I/2012 để trình Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Như vậy có thể thấy, nếu việc tiết giảm được thực hiện đúng như cam kết của các đơn vị thì việc thực hành tiết giảm chi phí, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cũng chính là minh chứng sinh động từ việc nâng cao hiệu quả quản lý của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

 

Các chuyên gia kinh tế nghe ngóng các động thái quyết liệt từ Bộ trưởng Huệ đều có chung nhận xét : trong điều kiện lạm phát của nước ta hiện vẫn ở mức cao, lãi suất ngân hàng chưa giảm thì việc tăng cường quản trị tài chính trước hết là chi phí giá thành có ý nghĩa quan trọng không chỉ trước mắt mà còn có tác dụng căn cơ lâu dài.

 

Việc Bộ Tài chính nhanh chóng đưa ra các quy định về tiết giảm chi phí theo chủ trương của Chính phủ sẽ tạo đà và khởi đầu cho quá trình tái cấu trúc DNNN một cách thực sự, có chiều sâu. Hơn thế, việc cắt giảm chi phí quản lý cũng sẽ tăng niềm tin cho chính các cổ đông của các tập đoàn, tổng công ty trong sự phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Với niềm tin này, dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước sẽ khởi động quá trình tái cấu trúc bằng hành động cụ thể chứ không chỉ hô khẩu hiệu.

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng vai trò của Bộ trưởng Tài chính ở các nước có nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi thường rất lớn. Quá trình đổi mới, cải cách nền kinh tế ở nhiều nước như Brazil, Mexico, Pháp Đức.. trước đây cho thấy rất rõ những điều đó. Những  Bộ trưởng Tài chính các nước này thường là những người được có trình độ, hiểu biết về kinh tế rất sâu sắc, có tinh thần cải cách, đổi mới quyết liệt và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ và các Đảng cầm quyền.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã xử lý được nhiều vấn đề yếu kém trong ngành mà nhiều bộ trưởng Tài chính các khóa trước, dù muốn, nhưng cũng chưa giải quyết được. Ông được người dân ví "như một luồng gió mới trong bộ máy lãnh đạo nhà nước".

 

Theo Anh Phương

Pháp Luật Việt Nam