Sau các thảm họa máy bay: Hàng không Việt thay đổi thế nào?

Sau vụ tai nạn của Hãng hàng không Đức Germanwings tại Pháp, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không thực hiện quy định mới nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn chuyến bay.

Tiếp viên hàng không tới đây sẽ tham gia đảm bảo an ninh buồng
lái. Ảnh: Sỹ Lực.
 Tiếp viên hàng không tới đây sẽ tham gia đảm bảo an ninh buồng lái. Ảnh: Sỹ Lực.

Xem xét lại an ninh buồng lái

Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Hãng Hàng không Jetstar Pacific (JP) cho hay, sau sự việc ngày 11/9/2001 tại Mỹ, hàng không thế giới đã có sự thay đổi nhằm ngăn chặn sự xâm nhập buồng lái từ bên ngoài. Vụ việc hãng bay của Đức tại Pháp vừa qua lại đặt ra yêu cầu đảm bảo an toàn ngay từ trong buồng lái, tránh rủi ro từ chính phi hành đoàn. “Sau sự kiện vừa qua, nhiều hãng hàng không trên thế giới xem xét lại vấn đề an ninh ngay trong buồng lái” – vị đại diện này nói.

Đại diện hãng này cho hay, việc đảm bảo an ninh buồng lái có nhiều biện pháp nghiệp vụ ngặt nghèo. Với JP, ngoài việc tuân thủ các quy định trong nước, tiêu chuẩn quốc tế, còn được sự hỗ trợ áp dụng quy chuẩn an toàn của các cổ đông chính là Vietnam Airlines (VNA) và Tập đoàn Qantas (Qantas Airways - Australia).

Với biện pháp của Cục Hàng không, vị này cho rằng, đây là một biện pháp hợp lý, không phải tăng người nhưng có thể tăng cường kiểm soát buồng lái. “Ở các chặng bay trên dưới 1 giờ,  thời gian tác nghiệp của tiếp viên tương đối ngắn, lượng công việc nhiều. Để khắc phục, phi công cần thực hiện các nhu cầu cá nhân trước chuyến bay để hạn chế tối đa việc rời khỏi buồng lái, trong trường hợp phi công có nhu cầu vẫn phải bố trí tiếp viên trưởng vào buồng lái theo đúng nguyên tắc 2 người” – vị này nói.

Hãng đang vận hành hệ thống an toàn (SMS – Safety Management System) đã được chấp thuận bởi Cục Hàng không Việt Nam, tiêu chuẩn của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - IATA, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Hãng hàng không quốc gia Úc – Qantas Airways.

Quy định về số người trong buồng lái có từ 2005

Với Hãng Hàng không quốc gia (VNA), quy định về số người luôn có mặt trong buồng lái đã có trong tài liệu quy định về hoạt động khai thác bay (của hãng) được Cục Hàng không phê chuẩn và áp dụng từ 2005, bản mới nhất được Cục phê chuẩn năm 2014. Tài liệu này có nội dung: “Trước khi có người lái nào rời buồng lái vì bất kể lý do gì, phải gọi một tiếp viên vào và tiếp viên đó phải ở trong buồng lái cho tới khi người lái quay trở lại”.

Hiện VNA đang áp dụng hệ thống quản lý an toàn được Hãng xây dựng, Cục Hàng không phê chuẩn từ năm 2009. Trong đó có một phần quan trọng là Hệ thống nhận dạng mối nguy hiểm và quản lý rủi ro. Một trong những nội dung của hệ thống là quản lý “sức khỏe phi công lớn tuổi, lạm dụng rượu bia chất có cồn, chất gây nghiện”. Theo đó, khi phát hiện có nhân viên vi phạm trong khoảng thời gian trước và trong quá trình làm nhiệm vụ, nhà khai thác có quyền không cho phép thực hiện chuyến bay.

Ngoài ra, VNA đang ở trong giai đoạn đầu triển khai dự án gọi là Quản lý rủi ro tiềm ẩn từ sự mệt mỏi của tổ bay bắt đầu từ cuối 2014 và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2017, trình cơ quan chức năng phê chuẩn. Đây là dự án được VNA xây dựng theo yêu cầu của ICAO, nhằm xây dựng, theo dõi chế độ ngủ và nghỉ ngơi của tổ bay một cách chi tiết hơn, giúp công tác phân lịch bay hiệu quả hơn nhằm đảm bảo cho phi công, tiếp viên luôn giữ được sự tỉnh táo.

Một chuyên gia hàng không cho rằng, từ câu chuyện phi công khóa buồng lái để máy bay rơi cho thấy, cần giám sát chặt sức khỏe tâm thần của người lái. Tất nhiên, những câu chuyện như “Lý Nhã Kỳ vào buồng lái máy bay” phải tuyệt đối cấm.

 Theo Sỹ Lực
Tiền Phong

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”