1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sắp hết thời nhà mặt tiền?

Giá xây dựng 1 km đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa tại Hà Nội đạt kỷ lục 45 triệu USD, so với giá xây dựng cũng 1 km đường tàu điện ngầm của thế giới vào khoảng 34 triệu USD, có lẽ cũng đủ căn cứ để cho rằng giá nhà đất của ta nếu không đắt nhất thì cũng có mặt trong hàng "top ten" của thế giới.

Mặc dù vậy, cùng với bước ngoặt lịch sử gia nhập WTO sắp tới, có nhiều khả năng "ngôi vị" này sẽ không còn.

Trước hết, cho dù được hình thành từ khoảng 10 năm trở lại đây và hiện các đô thị trên quy mô cả nước cũng chỉ mới có trên 200 siêu thị, 30 trung tâm thương mại và trên dưới 1.000 cửa hàng tiện lợi và tỷ trọng thị phần cũng chỉ mới khiêm tốn như nói trên, nhưng với sức mạnh tiềm ẩn cực kỳ lớn, nhóm các thương nhân này sắp tới chắc chắn sẽ có bước tăng tốc rất mạnh.

Cơn sóng dữ

Bởi lẽ, một khi các tổ chức bán lẻ có tiềm lực kinh tế mạnh điều hành các chuỗi siêu thị, họ sẽ đóng vai trò cầu nối giữa hàng loạt các nhà sản xuất với đông đảo người tiêu dùng.

Trong đó, với ưu thế của người nắm hệ thống bán lẻ, họ có thể đưa ra những đơn hàng lớn mà hầu như nhà sản xuất nào cũng phải thèm muốn, nhưng đồng thời cũng ở "thế thượng phong" ép phải hạ giá bán sản phẩm.

Đặc biệt, thế mạnh này sẽ càng được nhân lên khi hàng rào thuế nhập khẩu được cắt giảm. Còn ở đầu kia, với những hàng hoá chính hãng có chất lượng bảo đảm, giá cả phải chăng, mua bán thuận tiện, được phục vụ chu đáo và chế độ hậu mãi hấp dẫn, nó sẽ tạo ra lực hút đối với ngày càng đông đảo người tiêu dùng.

Điều này có nghĩa là, với các sản phẩm chính hãng, thậm chí cả với không ít những hàng nhái, hàng không nhãn mác, hàng kém chất lượng, giá cả lại "tù mù", các hộ kinh doanh nhỏ chắc chắn sẽ không đủ sức "địch" lại những hệ thống bán lẻ hiện đại trên tất cả các phương diện.

Điều này cũng có nghĩa là, cho dù đông áp đảo, nhưng các cửa hàng kiêm nhà ở mặt phố, những sản phẩm của một "nền thương nghiệp toàn dân" ồ ạt ra đời từ những năm đầu đổi mới, sẽ buộc phải thu hẹp cùng với việc các nhà phân phối lớn triển khai các chuỗi siêu thị.

Việc nhiều khu vực ở TPHCM hoặc Hà Nội vốn là những nơi buôn bán sầm uất, nhưng một khi xuất hiện siêu thị, các cửa hàng mặt phố không còn khách lui tới, buộc phải đóng cửa im ỉm suốt ngày là những minh chứng.

Hơn thế, cùng với việc trở thành thành viên WTO, bên cạnh một số tập đoàn bán lẻ chưa phải những "tên tuổi lớn" của thế giới như Metro Cash & Carry, Big C, Parkson... đã có mặt, thị trường bán lẻ của nước ta gần như chắc chắn còn được đón các "đại gia" trong "làng" bán lẻ thế giới như Wal-Mart (Mỹ), Carrefour (Pháp) và Tesco (Anh), cũng như nhiều tập đoàn bán lẻ châu Á...

Với sự góp mặt của ngày càng nhiều các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia không chỉ có sức mạnh tài chính hùng hậu, mà còn rất chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm quản lý và có nhiều biện pháp kỹ thuật để ép giá các nhà sản xuất, chắc chắn cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nước ta sẽ khốc liệt hơn nhiều.

Đây chính là lý do để Bộ trưởng Thương mại nước ta cho rằng phân phối là một trong hai ngành đáng lo nhất trước sức cạnh tranh từ bên ngoài. Việc một loạt các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực kinh tế, có ưu thế về diện tích đất và địa thế hiện đang "vắt chân lên cổ", tăng tốc xây dựng các chuỗi siêu thị của mình cũng là để bớt phải đối đầu với các đại gia này trong "giờ G" đã cận kề.

Buổi hoàng hôn

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, trong một tương lai không xa, hai xu thế chuyển động trái chiều nhau trong lĩnh vực bán lẻ ở các đô thị lớn nước ta sẽ cùng mạnh lên. Đó là, đồng thời với quá trình tăng tốc của các chuỗi siêu thị là quá trình thu hẹp của loại hình cửa hàng kiêm nhà ở mặt phố.

Khi đó, hiển nhiên bộ mặt của các đô thị sẽ phong quang hơn, bởi nhà ở sẽ trở lại với chức năng vốn có của nó. Trong bối cảnh không còn là "gà đẻ trứng vàng", chắc chắn giá nhà ở mặt phố tại các đô thị lớn không chóng thì chầy sẽ phải giảm mạnh.

Tóm lại, với cuộc "chạy đua nước rút" để không bị "thua trên sân nhà" của nhiều nhà kinh doanh trong nước, cộng với sự hiện diện sắp tới của ngày càng nhiều tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, "phong trào nhà nhà kinh doanh thương nghiệp" tất yếu sẽ phải lắng xuống, thương mại tại các đô thị lớn rốt cuộc sẽ có bước tiến vượt bậc về chất, thực sự tiến lên hiện đại, bộ mặt của các đô thị lớn sẽ đẹp lên, giá nhà ở mặt phố chắc chắn sẽ không thể đứng ở mức cao chót vót như hiện nay.

Theo Nguyễn Đình Bích
Báo SGTT