1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Samsung được kêu gọi sử dụng 100% năng lượng sạch ở Hàn Quốc, Việt Nam

(Dân trí) - Samsung phải chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo ở Hàn Quốc và Việt Nam ngay cả khi những quốc gia này đang có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than.

Báo cáo của Tổ chức phi chính phủ về môi trường Greenpeace ca ngợi nỗ lực của Samsung Electronics khi đã đạt mục tiêu của năm 2020 là sử dụng 100% năng lượng tái tạo ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới này lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng 82% nhu cầu điện năng của mình, Greenpeace cho hay.

Hàn Quốc và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tác động môi trường của Samsung vì hai cơ sở sản xuất này chiếm gần 80% mức độ sử dụng năng lượng của cả tập đoàn. Tuy nhiên, họ lại không đưa 2 quốc gia châu Á này vào mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo năm 2020, một phần vì những hạn chế về nguồn cung và cơ sở hạ tầng.

"Chúng tôi đang tìm thêm cơ hội để mở rộng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo ở những khu vực có hệ thống và điều kiện cần thiết. Gần đây, các điều kiện liên quan tới việc sử dụng năng lượng tái tạo ở từng quốc gia đều đã được cải thiện và đây sẽ là điều kiện để chúng tôi kỳ vọng mức độ sử dụng năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng lên", Samsung trả lời Nikkei Asia.

Samsung được kêu gọi sử dụng 100% năng lượng sạch ở Hàn Quốc, Việt Nam - 1

Samsung đã đạt mục tiêu của năm 2020 là sử dụng 100% năng lượng tái tạo ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ (Ảnh: Reuters).

Chính phủ Hàn Quốc đạt được ít bước tiến liên quan tới năng lượng thay thế. Quốc gia này dự kiến cung cấp 20% là điện tái tạo trong tổng lượng điện vào năm 2030. Theo Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc, con số này là 8,3% trong năm 2018 và giảm về 8,1% trong năm 2019.

Vào ngày 21/6, chính phủ phát động một chương trình mới cho phép người tiêu dùng mua năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất dù họ phải ký thỏa thuận ba bên, trong đó có Korea Power Exchange - một công ty nhà nước đảm nhận chức năng vận hành hệ thống điện và trên thị trường điện.

Greenpeace cho biết việc hoàn thành mục tiêu cho năm 2020 đã đưa Samsung trở thành doanh nghiệp đi đầu về khắc phục vấn đề khí hậu, nhưng tập đoàn có nguy cơ bị các công ty công nghệ khác bỏ rơi phía sau vì họ đang tích cực sử dụng sức mua để mua năng lượng mặt trời và gió.

Amazon mua năng lượng sạch nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới trong năm 2020. Tiếp đến là tập đoàn Total của Pháp, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., Verizon và Facebook ở Mỹ, theo dữ liệu của BloombergNEF.

Khi ngày càng nhiều công ty gấp rút công bố mục tiêu về khí hậu, như đưa lượng khí thải về 0 vào năm 2040, các chuyên gia về môi trường chỉ muốn đảm bảo họ phải thực hiện đúng cam kết của mình.

"Cam kết không phải là kế hoạch thực tế mà đơn thuần chỉ là một tín hiệu", giám đốc chương trình Greenpeace Đông Á Hyunsook Lee nói với Nikkei Asia. Bà kêu gọi Samsung bổ sung Việt Nam và Hàn Quốc vào chiến dịch sử dụng 100% năng lượng tái tạo của tập đoàn.

"Chúng tôi có trách nhiệm trước hàng nghìn người ủng hộ trên khắp thế giới để đảm bảo rằng chiến dịch này không trở thành một thứ mà doanh nghiệp dùng để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của họ là thân thiện với môi trường", bà Lee nói.

Các doanh nghiệp nên trả hóa đơn điện sạch một cách trực tiếp, hoặc thông qua thỏa thuận mua bán điện hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, theo Greenpeace. Tổ chức môi trường này cho rằng những lựa chọn trên đều tốt hơn phương thức "định giá xanh", tức là người tiêu dùng phải trả một khoản chênh lệch so với hóa đơn điện nhằm hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo và chứng chỉ năng lượng tái tạo.

Năm 2019, Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, vượt cả Malaysia và Thái Lan, theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie. Tuy nhiên, EVN cho biết năm 2021, Việt Nam phải sản xuất ít điện tái tạo hơn vì lưới điện bị quá tải.

Cùng với đó, chính phủ đang cho xây dựng dự án nhà máy điện than Vũng Áng 2 với sự tham gia đầu tư của Samsung C&T. Ngoài việc tự lắp đặt các tấm pin tại chính các nhà máy của mình, Samsung có thể gặp khó trong việc mua điện gió và mặt trời. Vì vậy, tập đoàn này muốn tham gia một chương trình thử nghiệm của Việt Nam cho phép họ ký thỏa thuận mua bán với các nhà cung cấp năng lượng tư nhân, tuy nhiên chương trình này đang bị trì hoãn.

Tại Hàn Quốc, Samsung đã lắp đặt các tấm pin mặt trời ở 3 nhà máy và sẽ tiếp tục làm ở 2 địa điểm còn lại, theo báo cáo phát triển bền vững của tập đoàn năm 2020.

Vào cuối năm 2021, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ là hai trong số quốc gia châu Á đầu tiên có chi phí lắp đặt điện mặt trời thấp hơn điện than, Wood Mackenzie dự đoán.