Sacombank: Khi người sáng lập mất quyền đại diện
(Dân trí) - Khép lại Đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Nguyễn Văn Thành vẫn giữ vững “ghế” Chủ tịch Sacombank song người sáng lập của ngân hàng này đã mất quyền đại diện.
Đại hội cổ đông thường niên NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức hôm nay (26/5) cuối cùng đã thông qua phương án thay đổi người đại diện pháp luật. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của Sacombank trong nhiệm kỳ 2012-2015 sẽ là Tổng giám đốc thay vì Chủ tịch HĐQT như trước đây.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, mặc dù được Đại hội cổ đông tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch song ông Đặng Văn Thành sau 20 năm “cầm cương” đã để tuột mất quyền đại diện cho ngân hàng của mình.
Trên đà tham vọng
Tháng 12/1991, thời điểm khó khăn nhất của đất nước, người đã đặt những viên gạch đầu tiên gây dựng nên Sacombank chính là ông Đặng Văn Thành với 3 tỷ đồng vốn điều lệ, trở thành một trong những NHTMCP đầu tiên được thành lập tại TPHCM từ việc hợp nhất 4 tổ chức tín dụng.
Dưới sự lãnh đạo của người sáng lập, Sacombank đã liên tục phát triển nhằm hướng đến mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu cả nước. Đến 2009, Sacombank bắt đầu mở chi nhánh sang Campuchia, Lào – khẳng định vị trí của mình ở không chỉ thị trường trong nước mà còn muốn mở rộng ra phạm vi khu vực ba nước Đông Dương. Tham vọng của ông Thành là tạo ra lợi thế người đi đầu để từ đó tạo bước đệm cho việc mở rộng phạm vi, làm chủ được thị trường.
Kết thúc giai đoạn 2001 – 2010, Sacombank tăng trưởng với tốc độ bình quân đạt 64%/năm. Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 2 thập kỷ xây dựng, Sacombank đã có vốn điều lệ hơn 10.700 tỷ đồng, tổng tài sản hiện có hơn 140.000 tỉ đồng, 408 điểm giao dịch, hiện diện tại 47 tỉnh thành trong nước và tại Lào, Campuchia. Ngoài ra, Sacombank cũng đã thành lập ngân hàng con Sacombank Cambodia trên cơ sở chuyển đổi từ chi nhánh Phnompenh vào tháng 10/2011.
Tình hình năm hoạt động năm 2011 của Sacombank khá tốt với mức lợi nhuận trước thuế tăng 13% so năm 2010, đạt 101% kế hoạch. Nợ quá hạn và nợ xấu được ngăn chặn có hiệu quả, lần lượt ở mức 0,86% và 0,56% trên tổng dư nợ cho vay, trong khi mức bình quân toàn ngành là 3,4%, đồng thời đảm bảo hầu hết các chỉ số an toàn tài chính theo đúng quy định.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) 14,6%; tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROA) 1,44%; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 11,66%.
Chia sẻ quyền lực
Đến giai đoạn nở rộ, mặc dù ông Nguyễn Văn Thành vẫn giữ cương vị Chủ tịch, song cơ cấu HĐQT của Sacombank đã có thêm những gương mặt mới.
Nếu như trước đây, ban lãnh đạo cũ chỉ có 7 thành viên thì đến nay, HĐQT của Sacombank đã tăng lên 10 thành viên, trong đó chỉ có 2 “người cũ” là ông Thành và con trai. Nói cách khác thì quyền lực đã được “phân phối” lại tại ngân hàng này trong bối cảnh quyền quyết của HĐQT đã được tăng cường.
Theo đó, đại hội cổ đông thường niên hôm nay đã chấp nhận phương án ủy quyền cho HĐQT quyết định các hoạt động đầu tư của ngân hàng như phương án góp vốn mua và chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khác trong giới hạn tổng mức vốn đầu tư cho phép.
Cùng với đó, ĐHCĐ cũng ủy quyền HĐQT được quyết định các nội dung nghiên cứu, chọn lọc, phân tích và triển khai các thủ tục cần thiết để xin phép hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng khác trong giai đoạn 2012-2015. Đồng thời, thông qua kế hoạch chuyển nhượng tối đa 15% vốn điều lệ cho đối tác chiến lược nước ngoài trong giai đoạn từ nay đến 2015.
Điểm đáng chú ý là, như đã nói ở phần trên, đại hội chấp thuận việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của ngân hàng từ ông Thành sang Tổng giám đốc.
Hiện vị trí Tổng giám đốc của ngân hàng đang thuộc về ông Trần Xuân Huy sinh năm 1972. Ông Huy gia nhập Sacombank từ năm 2000 với vị trí Chuyên viên nghiên cứu phát triển và đầu tư. Đảm nhận qua nhiều vị trí từ năm 2002 đến 2007, đến tháng 7/2007, ông Trần Xuân Huy đã được bổ nhiệm cương vị như hiện nay.
Khác với chức danh Chủ tịch HĐQT do ĐHCĐ bầu, vị trí Tổng giám đốc do HĐQT quyết định và cũng không có nhiệm kỳ như vị trí Chủ tịch. Vì vậy, thời gian tới, dự kiến dư luận sẽ tập trung sự chú ý của mình vào vị trí này Sacombank.
Người đại diện theo pháp luật trước tiên được quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo đó đây là người đứng đầu pháp nhân. Với tư cách người đại diện theo pháp luật, họ có quyền nhân danh doanh nghiệp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của doanh nghiệp.
Khi chuyển vị trí người đại diện từ Chủ tịch Hội đồng quản trị sang Tổng giám đốc, các quyết định liên quan đến ngân hàng sẽ được đưa ra nhanh gọn hơn. Theo đó, quyết định của Chủ tịch hội đồng thường phải qua tham khảo ý kiến các thành viên khác, khó đáp ứng được tình hình khi cấp bách.
Về lý thuyết, người đại diện pháp lý của công ty không nhất thiết phải nắm quyền cao nhất trong công ty. Tuy nhiên, đứng từ bên ngoài ngân hàng nhìn vào mà nói, tiếng nói của người đại diện cũng chính là tiếng nói của ngân hàng.
Một số sự kiện liên quan đến sở hữu của “người nhà” ông Đặng Thành tại Sacombank Hồi giữa tháng 4, CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT) có Chủ tịch HĐQT, bà Huỳnh Bích Ngọc là vợ ông Đặng Văn Thành, đã thoái thành công toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu STB và không còn là cổ đông của Sacombank. Việc thoái vốn đem lại cho SBT 187,5 tỷ đồng (chưa tính phí giao dịch). Cũng trong tháng này, CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công do bà Ngọc làm Chủ tịch HĐQT cũng đã bán toàn bộ hơn 22,1 triệu cổ phiếu STB mà công ty này đang nắm giữ. Việc bán toàn bộ số cổ phiếu được cho biết do sai sót của nhân viên đặt lệnh (đặt bán quá 100.000 cổ phiếu so với con số 22.036.210 cổ phiếu đăng ký trước đó). Sau đó, Thành Thành Công đăng ký mua lại 100.000 cổ phiếu từ ngày 27/4 đến 27/6. Việc Thành Thành Công có tiếp tục tham gia góp vốn vào Sacombank tiếp hay không còn phải chờ đến cuối tháng tới. Đến 22/5, CTCP Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal - mã SCR) có Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Sacombank cũng đã bán thành công 17,3 triệu cổ phiếu STB. Sau giao dịch, Sacomreal còn nắm giữ vỏn vẹn 11 cổ phiếu STB. |
Mai Chi