1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sacombank đã bán hết cổ phần của cha con ông Đặng Văn Thành

(Dân trí) - Gần 15 triệu cổ phần còn lại của cha con cựu Chủ tịch Đặng Văn Thành đã được Sacombank hoàn thành giải chấp trong hôm nay thông qua giao dịch thỏa thuận thu về 267 tỷ đồng. Tuy nhiên, danh tính nhà đầu tư mua số cổ phần này chưa được tiết lộ.

Sacombank đã bán hết cổ phần của cha con ông Đặng Văn Thành
Sacombank đã hoàn thành việc giải chấp cổ phiếu dùng làm tài sản xiết nợ của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh.

Trong phiên giao dịch cuối tháng 7, giữa lúc thanh khoản trên thị trường chứng khoán vẫn ở mức rất thấp thì riêng tại mã STB của Ngân hàng TMCP Sacombank bất ngờ được giao dịch thỏa thuận hai lô lớn.

Tổng khối lượng thỏa thuận tại STB trong phiên này lên tới 14.677.970 cổ phiếu, mức giá được thỏa thuận 18.200 đồng/cp. Mức giá này cao hơn giá đóng cửa phiên hôm nay của STB là 17.000 đồng vào cao hơn giá tham chiếu 17.100 đồng.

Tuy nhiên, với tính chất của giao dịch thỏa thuận nên danh tính của nhà đầu tư đã bỏ ra 267,1 tỷ đồng để mua lô cổ phần này không được tiết lộ.

Hơn nữa, do tổng số cổ phần được giao dịch chỉ chiếm tỉ lệ 1,2% nên cũng không nằm trong diện phải công bố thông tin.

Trở lại với thông tin Dân trí cung cấp trước đó sau khi Sacombank công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, dễ nhận thấy, con số này đúng bằng số cổ phần còn lại của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh tại Sacombank tính đến thời điểm 30/6/2013 (bao gồm 7 triệu cổ phiếu của ông Đặng Hồng Anh và phần cổ tức được chia từ gần 80 triệu cổ phần nắm giữ trước đó).

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, với giao dịch thỏa thuận khối lượng gần 15 triệu cổ phần trên, Sacombank đã chính thức hoàn thành việc giải chấp toàn bộ cổ phần của cha con cựu Chủ tịch Đặng Văn Thành tại Sacombank – được coi là tài sản dùng để xiết nợ đối với các công ty mà gia đình ông Đặng Văn Thành làm chủ.

Như vậy, kế hoạch giải chấp của Sacombank hoàn thành muộn hơn đúng 2 tháng so với kế hoạch đặt ra trước đó là chậm nhất tới 31/5/2013 sẽ xử lý hết toàn bộ số tài sản xiết nợ trên.

Trở lại với giao dịch trên thị trường chứng khoán phiên 31/7, thanh khoản trên hai sàn tiếp tục duy trì mức thấp đáng lo ngại. Trong khi HSX có 41,6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trị giá 789,6 tỷ đồng thì khối lượng giao dịch tại HNX chỉ gần 12,2 triệu đơn vị đạt chưa 100 tỷ đồng.

Mặc dù có tới 96 mã giảm điểm, nhiều hơn số mã tăng song chỉ số sàn HSX là VN-Index vẫn tăng mạnh 3,31 điểm tương ứng 0,68% lên 491,85 điểm. Thị trường “xanh vỏ đỏ lòng” ở HSX trong khi HNX-Index không giữ được cân bằng, mất 0,09 điểm tương ứng 0,15% còn 61,49 điểm do có 84 mã giảm điểm so với 63 mã tăng.

Có thể thấy sự hỗ trợ đáng kể của các mã trụ cột như VNM, GAS, VIC đối với thị trường khi diễn biến tốt ở những mã này đã lật ngược tình thế, đưa VN-Index tăng điểm. Theo đó, VNM tăng 3.000 đồng, GAS tăng 2.000 đồng, VIC tăng 1.000 đồng.

Bên cạnh đó, những mã có thị giá lớn khác như RAL, DHG, GIL, SPM cũng đều tăng mạnh. Trong đó SPM tăng trần.

Trên HNX, SHB được thỏa thuận nhiều lô với khối lượng thỏa thuận lô lớn nhất đạt 1,32 triệu đơn vị tương ứng 8,3 tỷ đồng. Trong khi đó, ở phương thức khớp lệnh, cổ phiếu này đánh mất vị trí dẫn dắt thanh khoản, chỉ khớp hơn 500 nghìn cổ phiếu.

Các mã còn lại khớp lệnh mỏng, duy có FIT khớp 1,59 triệu cổ phiếu. HSX có mã khớp nổi bật là HAR khớp 2,7 triệu, HAG khớp 1,25 triệu và ITA khớp trên 1 triệu đơn vị.

Mai Chi