Sabeco chịu áp lực lớn khi thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5%

(Dân trí) - Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco cho biết đang chịu áp lực rất lớn về giá khi thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2017 tiếp tục tăng thêm 5%. Không những thế, theo đề án quy định dán tem các sản phẩm bia, nếu áp dụng thì Sabeco sẽ phải chi ra khoảng 900 tỷ đồng.

Sáng nay (18/4), Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (HOSE: SAB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 để thông qua một số nội dung liên quan đến kết quả thực hiện năm 2016 và kế hoạch kinh doanh, phương hướng hoạt động trong năm 2017.

Đại hội đã nhận rất nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan đến hội đồng quản trị (HĐQT), nhân sự, tiền lương, kế hoạch kinh doanh, phát triển nhà máy cũng như chiến lược phát triển dài hạn của Sabeco... HĐQT Sabeco cho biết, kết quả kinh doanh quý 1/2017, đã tiêu thụ được 435 triệu lít, doanh thu 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.222 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Đại hội đã nhận rất nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan đến hội đồng quản trị (HĐQT), nhân sự, tiền lương, kế hoạch kinh doanh, phát triển nhà máy cũng như chiến lược phát triển dài hạn của Sabeco...
Đại hội đã nhận rất nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan đến hội đồng quản trị (HĐQT), nhân sự, tiền lương, kế hoạch kinh doanh, phát triển nhà máy cũng như chiến lược phát triển dài hạn của Sabeco...

Áp lực lớn đối với Sabeco là trong năm 2016, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng. Không những thế, năm 2017 thuế tiêu thụ đặc biệt này tiếp tục tăng lên 5% từ ngày 01/01/2017.

Trả lời cổ đông, liệu có tăng giá sản phẩm để bảo đảm doanh thu do thuế suất tăng hay không, HĐQT Sabeco cho biết, đang cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo lợi nhuận cho công ty và cổ đông.

"Tăng giá chỉ là một trong những biện pháp đang cân nhắc vào thời gian thích hợp để đảm bảo lợi ích cho công ty và cổ đông. Tuy nhiên, việc tăng giá bán không phải là giải pháp duy nhất mà còn rất nhiều lĩnh vực khác có thể mang lại lợi ích tối đa như tiết kiệm chi phí, mua nguyên liệu với giá hợp lý...", ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco nói.

HĐQT Sabeco cũng cho biết, nếu đề án quy định dán tem các sản phẩm bia được áp dụng sẽ gia tăng chi phí đáng kể. Cụ thể, với mức sản lượng kế hoạch 2017, chi phí dán tem ước tính là 200 đồng cho mỗi chai/lon, thì Sabeco sẽ phải bỏ thêm khoảng 900 tỷ đồng, chưa kể chi phí đầu tư thiết bị liên quan.

Cổ đông đề nghị Sabeco nên áp dụng mô hình HĐQT độc lập như Vinamilk. Tuy nhiên, chủ toạ đoàn cho biết, đang cân nhắc mô hình nào phù hợp thì sẽ áp dụng chứ không nhất thiết phải theo mô hình của Vinamilk.

Về quỹ tiền lương năm 2017, do Bộ Công Thương chưa thông qua quỹ tiền lương nên Sabeco sẽ sử dụng quỹ tiền lương như cũ. Chủ trương Sabeco là luôn đảm bảo thu nhập cho cán bộ, nhân viên và trả lương theo vị trí lao động, năng suất cán bộ.

Sabeco cũng đã nhận chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco của Bộ Công Thương theo chủ trương của Chính phủ. Việc thoái vốn này Sabeco sẽ có kế hoạch cụ thể trình cổ đông. Riêng việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì sẽ xin ý kiến Bộ Công Thương phương án xử lý từng dự án.

Trước đó, báo cáo tại đại hội, Ban điều hành Sabeco cho biết, trong năm 2016, Sabeco đã tiêu thụ 1.590 triệu lít bia Sài Gòn, tăng 8% so với năm trước và tăng 6,7% so với kế hoạch năm 2016. Tổng doanh thu trong năm vừa qua đạt 31.754 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và tăng 11% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.655 tỷ đồng, tăng 33% và vượt 27% kế hoạch. Với kết quả kinh doanh thực hiện trong năm 2016, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 30%.

Áp lực lớn đối với Sabeco là trong năm 2016, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng
Áp lực lớn đối với Sabeco là trong năm 2016, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng

Theo đánh giá của Ban điều hành Sabeco, thuận lợi của năm 2017 là việc giá cả các loại nguyên vật liệu chính sản xuất bia giảm cùng chính sách thuế ưu đãi đối với mặt hàng malt, nhôm kim loại chỉ tăng nhẹ so với 2016, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ổn định chi phí sản xuất đối với ngành bia. Sabeco đánh giá, sức tiêu dùng nói chung và đối với sản phẩm bia nói riêng tiếp tục ổn định, đặc biệt là sự tăng trưởng tốt tại các thị trường nông thôn, nơi Bia Sài Gòn có lợi thế cạnh tranh nhất định do định vị sản phẩm phù hợp, hệ thống phân phối và độ phủ rộng.

Dù vậy, năm 2017 cũng được dự báo là một năm khó khăn với sự xâm nhập thị trường của thương hiệu nổi tiếng AB InBev có lợi thế về mặt thương hiệu và tiềm lực tài chính (bên cạnh sự hiện diện của các thương hiệu bia khác tại Việt Nam). Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng dịch chuyển sang các sản phẩm cấp cao tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ do công ty chưa có sản phẩm ở phân khúc này.

HĐQT Sabeco đặt kế hoạch tiêu thụ 1.664 triệu lít Bia Sài Gòn, tăng 5% so với năm trước. Tổng doanh thu kế hoạch là 34.495 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.703 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2016. Kế hoạch phân phối lợi nhuận, HĐQT cũng trình cổ đông mức cổ tức 35% cho năm 2017.

Công Quang