Rùng mình với đá sạch
Hầu hết các quán nước, cửa hàng ăn... đều sử dụng đá tinh khiết thay vì đá cây, đá bào như trước. Tuy nhiên, thực tế không phải đá mang nhãn hiệu tinh khiết nào cũng là đá tinh khiết.
Đất, cát, bẩn... lẫn trong đá tinh khiết
10h sáng tại một xưởng làm đá có quy mô lớn tại thôn Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, bốn chiếc máy làm đá chạy ầm ầm. Người nọ gọi người kia phải hét lên thật to. Xưởng sản xuất được đặt ngay cạnh con mương nước đen xì và bốc mùi hôi thối. Những chiếc bao tải đựng đá để vận chuyển cho các quán tại khu vực Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông được phơi lăn lóc bên đường. Dưới nền xi măng dính đầy đất, cát.
Khi một mẻ đá ra lò, hàng chục người đứng chờ để lấy đá. Nhìn kỹ, khuôn đá, dao cắt, bồn cấp nước đá... đều đã bị ố vàng, rỉ sắt. Nguồn nước làm đá bơm thẳng từ giếng khoan lên cho vào máy. Đá ra lò, mấy thanh niên mình trần, quần soóc nhặt chiếc ống nhựa vứt trên sàn nhà dính đầy cát khều đá xuống miệng phễu sau khi đá cắt thành viên. Sau công đoạn cho đá vào túi nilon thì túi đá với khối lượng vừa đủ sẽ được đặt gọn gàng trong bì túi có ghi sẵn địa chỉ sản xuất, khối lượng... Những viên đá bị rơi xuống đất đều được nhặt lên, thổi qua cho hết đất, cát rồi lại được cho vào túi nilon. Giá đá ở đây khá rẻ, chỉ 5.000 đồng/túi 5kg.
Không phải chỉ có xưởng sản xuất đá sạch ở Từ Liêm khiến người ta rùng mình vì công đoạn làm đá, mà rất nhiều xưởng sản xuất đá tinh khiết khác cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh.
|
Một cơ sở sản xuất đá không đảm bảo an toàn vệ sinh (ảnh C.G) |
Cơ sở sản xuất đá tinh khiết của bà U đặt tại một hẻm trên phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Từ ngõ vào trong chỗ khu vực sản xuất, nước chảy lênh láng. Xưởng rộng chừng hai mươi mét vuông, phía bên trong sàn nhà ướt át. Trước cửa xưởng dòng nước đen xì đọng, bà chủ cầm chổi quét đi các phía cho nhanh khô. Các túi đá sau khi ra lò được vứt vào một góc bên cạnh cửa, ngay gần lối đi để khách đến mua lấy được ngay. Ở đây giá mỗi túi đá 5kg là 6.000 đồng.
Sau khi hỏi han qua loa về công đoạn sản xuất đá, chúng tôi ngỏ ý muốn vào xem trực tiếp thì bị bà chủ ngăn cản ngay. Trong khi đó, một chị nhân công mặc áo phông, quần ngố, đi chân đất từ ngoài đường chạy vào để kiểm tra máy và thời gian ra lò của mẻ mới đã bị bà chủ gọi giật lại. "Lấy đôi dép mà đi vào, dạo này "bọn nó" hay đi kiểm tra lắm đấy", bà U nhắc nhở nhân viên.
Tinh khiết hay nơi ủ mầm bệnh?
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hàng năm Sở Y tế cũng lấy đá của các cơ sở sản xuất đi kiểm tra. Phần lớn các cơ sở sản xuất đá tinh khiết lấy nước từ sản xuất nước tinh lọc để làm đá với công nghệ 50-60 phút/mẻ. Thành phố có vài trăm cơ sở sản xuất đá nhưng chỉ có vài chục cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản xuất đá sạch.
Trước mùa hè bao giờ cơ sở sản xuất cũng làm mẻ đầu mang sản phẩm đi kiểm tra. Nếu đạt chất lượng, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận sản xuất đá sạch. Trong quá trình đi kiểm tra, nếu cơ sở nào vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, ông Cường cũng không tiết lộ từ đầu hè tới nay, đã có cơ sở sản xuất đá tinh khiết nào bị phạt chưa.
Bác sĩ Yên Lâm Phúc, Bệnh viện Quân y 103, cho rằng đá không hợp vệ sinh có hai loại là đá nhiễm khuẩn và lẫn tạp chất hóa học. Đối với đá nhiễm khuẩn thì trong quá trình làm đông của đá (1-4 độ C), một số vi khuẩn chỉ bị ngưng hoạt động. Khi ăn vào bên trong, vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại, gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và điều này gây nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc thức ăn.
"Khi sử dụng đá có lẫn tạp chất hóa học, chúng sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể người sử dụng, chưa kể hoá chất dùng để thanh lọc nước nếu ở liều lượng quá cao cũng sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá của của cơ thể, gây ra nhiều biến chứng như viêm đại tràng mãn tính, ảnh hưởng tới chức năng thận, gan gây kích ứng dạ dày...
Cụ thể, nếu nước có quá nhiều canxi - magie (nước cứng - nước giếng khoan) khi dùng lâu sẽ gây sỏi thận. Các loại tạp chất khác có thể gây độc chì, gây thần kinh. "Đá công nghiệp hay sử dụng nước cứng, không được lọc liên tục. Phần lớn quy trình sản xuất đá lại không hợp vệ sinh", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Phúc, người dân nên dùng đá do chính nhà mình làm ra, sử dụng nước đun sôi để nguội khử được ion và tạp chất độc. Với các loại đá bên ngoài, người sử dụng không thể khẳng định được nguồn gốc như thế nào, được làm ra sao nên không đảm bảo được độ an toàn cho sức khỏe của bản thân.