Rầm rộ đầu tư điện

“Nhà tôi mấy hôm nay bị cúp điện liên tục. Cả nước đang thiếu điện, bây giờ đầu tư vào điện là đúng hướng rồi”, tổng giám đốc một quỹ đầu tư trong nước nhận xét vui khi được yêu cầu đánh giá xu hướng “rầm rộ” đầu tư vào lĩnh vực điện của nhiều tổ chức hiện nay.

“Kỳ vọng điện" bán chạy

Không những hấp dẫn doanh nghiệp, điện còn cuốn hút cả cá nhân nhỏ lẻ. Đấu giá vào đúng thời điểm... thiếu điện nên Công ty nhiệt điện Bà Rịa đã thành công một cách... vô lý. Giám đốc một quỹ đầu tư đã nhận xét về cuộc đấu giá như vậy.

Có 5.481 nhà đầu tư đăng ký tham giá với tổng khối lượng đăng ký gấp gần 10 lần số lượng chào bán. Giá đặt mua thấp nhất gấp 4 lần giá khởi điểm (15.750 đồng), đạt 62.500 đồng/cổ phiếu. Giá cao nhất lên đến 40 triệu đồng/cổ phiếu và giá bình quân là 78.528 đồng. Điều đáng nói là 99,66% lượng trúng thầu thuộc về các nhà đầu tư trong nước.

Sau gần một năm san lấp mặt bằng, thi công các hạng mục công trình phụ trợ, đến nay, mặt bằng dự án xây dựng nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 1 đã cơ bản được hoàn thành để động thổ xây dựng nhà máy.

 

Dự án do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, công suất 462,8MW nhiên liệu chính là khí từ mỏ thuộc bể Cửu Long và Nam Côn Sơn. Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, các dự án đầu tư vào ngành điện đang được triển khai rất nhiều. Hiện có trên 30 nhà máy lớn, không kể hàng chục nhà máy nhỏ đang tham gia phát điện.

Vừa kết thúc đấu giá cuối tuần rồi, Công ty thuỷ điện Thác Mơ cũng gây bất ngờ không kém với tổng số lượng cổ phần đăng ký gấp 10 lần số lượng chào bán. Giá đấu thành công cao nhất là 56 triệu đồng/cổ phiếu, giá đấu thành công thấp nhất là 58.500 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần giá đấu khởi điểm (20.000 đồng). Tổng giá trị cổ phần bán được hơn 951 tỉ đồng.

Mặc dù Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (PPC) vừa công bố thông tin bất thường về sản lượng điện bị giảm do sửa chữa một vài chi tiết máy móc, nhưng lượng người đăng ký tham gia đấu giá cổ phần vẫn rất đông. "Kết sổ" đăng ký đấu giá cổ phần PPC cuối tuần rồi, có 2.880 nhà đầu tư tham gia với khối lượng đăng ký trên 100 triệu.

Đầu tư điện dễ thuyết phục?

Hiện có trên 30 nhà máy lớn, không kể hàng chục nhà máy nhỏ đang tham gia phát điện. Nhưng trước tình trạng thiếu điện, theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, các dự án đầu tư vào ngành điện đang được triển khai rất nhiều.

Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), cũng sẽ góp vốn vào quỹ đầu tư dầu khí, đầu tư mỏ, Công ty Thuỷ điện miền Trung, Công ty điện Tây Bắc... với tổng vốn đầu tư là 492,680 tỉ đồng.

Bên cạnh việc hút vốn của những công ty ít nhiều có liên quan đến ngành điện, thì điện cũng thu hút thêm các công ty “ngoại đạo”, như Công ty cổ phần công nghệ và đầu tư Bách Việt (BTI), chuyên sản xuất đĩa quang (CD, DVD, CDR, DVDR). Ông Đặng Chính Trung, tổng giám đốc BTI cho biết, BTI đang trong quá trình nâng vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng lên 125 tỉ đồng. Một trong những mục đích nâng vốn là góp vốn 27% vào nhà máy thuỷ điện Đăk Zih tại Lâm Đồng, Tây Nguyên.

Tại đại hội cổ đông Công ty cơ điện lạnh REE (30/3), đa số cổ đông gật gù lộ vẻ thoả mãn khi nghe báo cáo chiến lược đầu tư 2007 - 2010, REE mở rộng hoạt động sang lĩnh vực hạ tầng liên quan đến điện, nước và khai khoáng.

Theo đó, Công ty cổ phần thuỷ điện R.E.E công suất 260MW vừa được thành lập ngày 15.3 với vốn điều lệ ban đầu 1.600 tỉ đồng, REE góp 320 tỉ đồng, chiếm 20% vốn. Đồng thời, REE đang theo một nhà máy nhiệt điện 630 - 720MW với số vốn góp 30% trên tổng vốn điều lệ 150 triệu USD, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Trước đó, ngày 27/7/2006, REE đã tham gia sáng lập, góp vốn 11 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ ban đầu của Công ty cổ phần điện lực R.E.E. “Điện đang thiếu hụt, đầu tư thuỷ điện chắc đúng hướng rồi”, ba chị cổ đông ngồi gần cuối đại hội hồ hởi bàn tán.

Kiếm lợi nhuận có quá dễ?

Ông T.T.V., tổng giám đốc một quỹ đầu tư cho rằng, ông không nhất thiết phải có bằng được cổ phiếu Nhiệt điện Bà Rịa. Vì theo ông, xét theo tiêu chí sử dụng nhiên liệu và máy móc hiện tại thì về lâu dài Bà Rịa tích luỹ lợi nhuận không cao.

Tuy nhiên, theo ông Lý Ngọc Khánh, phó chủ nhiệm ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam thì “quản lý một nhà máy thuỷ điện rất phức tạp và cần chuyên môn sâu”. Cựu phó tổng giám đốc của một ngân hàng TMCP phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp cho biết, ông từng không ủng hộ và xét duyệt cho vay các dự án thuỷ điện, vì xét thấy rủi ro quá cao.

Theo ông, không ai đảm bảo độ dài thuỷ vân - một yếu tố quan trọng đối với một nhà máy thuỷ điện là bao nhiêu năm; máy móc chuyên dụng, tính chất gắn bó với thiên nhiên của nhà máy điện...

Quan trọng hơn, điện là một mặt hàng chiến lược quốc gia, nên khả năng Nhà nước can thiệp hơi sâu vào giá là có, và doanh nghiệp khó có thể toàn quyền quyết định giá bán. Ngoài ra, lợi nhuận các ngành điện, nước... thường đều đều, ít khi đột biến, ông nhận xét.

Theo Hồng Sương
Báo SGTT