Ra tay giải cứu hàng chục "cụ cây", người đàn ông có ngay vườn bonsai "triệu đô"
Vườn phi lao nhiều năm tuổi của ông Hài nằm bên trong đê sông Hồng thuộc phường Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) như một “mỏ vàng” mà ai cũng ao ước có được.
Chủ nhân của vườn phi lao bonsai là ông Đỗ Văn Hài, Chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội. Giới chơi cây vẫn thường gọi ông với cái tên “vua phi lao đất Bắc”.
Hàng chục cây phi lao có tuổi đời hàng trăm năm, mỗi cây một dáng, mềm mại uyển chuyển, bông tán tản vân với lá xanh mướt, cân bằng.
Ông Hài cho biết, cách đây 16 năm, một dự án ở miền Trung cần giải phóng mặt bằng có ý định chặt hạ hàng chục cây phi lao gần 100 năm tuổi. Ngay khi biết tin, ông đã vào tận nơi để "giải cứu" những cây phôi này khỏi nguy cơ bị xẻ thịt.
"Khi đó, bạn bè người thân can ngăn tôi không nên quá mạo hiểm bỏ ra hàng đống tiền để mua củi về thành phố. Nhưng với lòng đam mê và tin ở tay nghề của mình, tôi quyết định mang những tác phẩm này về Hà Nội", ông Hài chia sẻ.
Sau nhiều năm dồn tâm sức, "những đứa con tinh thần" của ông Hài đã trở thành những tác phẩm mang lại xúc cảm mạnh cho bất kỳ ai khó tính nhất trong lĩnh vực nghệ thuật này.
Thân cây xù xì mang dấu ấn thời gian. Theo ông Hài, phi lao là loại cây gỗ cứng vì vậy mỗi nhát cắt đều phải đắn đo cẩn thận, chỉ một sai lầm sẽ hỏng luôn cả dáng cây.
Để có tay cành, bông tán đẹp đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì của người tạo tác.
Những đoạn cây chết khô đối lập với những bông tán xanh mướt khiến cây phi lao mang một vẻ đẹp riêng mà ít có loại cây nào có được.
Mỗi cây một dáng thế, cây có dáng nằm ngang, dáng huyền hay trực.
Những đường chuyển, gấp khúc rất đẹp phải trải qua nhiều năm tháng mới có được.
Theo ông Hài, để tạo tác một cây đã khó, tạo tác cả mấy chục cây lại càng khó gấp bội, vì thế ông đã dành toàn bộ thời gian chăm sóc, coi đây là “di sản” cuối đời để lại cho hậu thế.
"Giá cả thì vô cùng, người thích thì mua bằng được bất kể giá nào. Ước tính vườn phi lao của tôi phải lên đến 1 triệu đô la Mỹ", ông Hài cho biết.
Theo Hồng Phú
Dân Việt