TPHCM:

Quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại

(Dân trí) - Gần một năm kể từ ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực nhưng hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn tiếp tục gia tăng. Thậm chí, mua qua mạng, tiền đã gửi, hàng không đến. Đòi tiền thì bị đánh…

“Lơ mơ” về luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 10/5, Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM (AFCA) đã tổ chức tọa đàm về “Thực thi hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” với sự tham dự của đại diện Bộ Công thương, Tổng cục An ninh II (Bộ Công An), đại diện UBND TPHCM, Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ, Công an TPHCM…

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các luật sư, chuyên gia pháp lý đã cùng trao đổi xoay quanh ý nghĩa, triển vọng và những bất cập hiện tại trong quá trình thực thi hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tường Minh, Tổng thư ký AFCA, đã gần một năm kể từ thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực (1/7/2011) nhưng rất nhiều người dân, các thương nhân hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa cập nhật đầy đủ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, dẫn đến hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn tiếp tục gia tăng.
Quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại
Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng còn "lơ mơ" về các quy định về Luật bảo vệ NTD, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa

Hơn nữa, từ ngày 1/5/2012, Nghị định 19/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định khá rõ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chính thức có hiệu lực với các quy định tăng nặng xử phạt hành chính đến mức 70 triệu đồng. Tuy nhiên, qua một số khảo sát độc lập thì còn rất nhiều thương nhân hoàn toàn không biết về văn bản quy phạm pháp luật này. Dẫn đến khả năng rất nhiều doanh nghiệp sẽ vi phạm pháp luật và bị xử phạt dù vô tình hay cố tình vi phạm.

Một trong những điểm rất mới đó là từ ngày 1/5/2012, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu (cung cấp điện, nước sạch sinh hoạt, truyền hình trả tiền, thuê bao di động trả sau, thuê bao di động cố định…) phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng về việc tuân thủ nghiêm hợp đồng. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 – 70 triệu đồng.

Nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Luật sư Phan Minh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực AFCA cho biết, dù đã có Luật bảo vệ người tiêu dùng nhưng các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn gia tăng và doanh nghiệp “chây ì” trong việc giải quyết khiếu nại của khách hàng. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng đã phải buông xuôi khi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi sự “chây ì” này.

Chỉ tính riêng tại AFCA, từ 2011 đến nay, hội này tiếp nhận 139 hồ sơ và đã xử lý 91 vụ, chiếm trên 65%. Hầu hết các trường hợp rơi vào mua ô tô, xe máy và mua bán hàng hóa trên các trang web như nava.vn, cucre.vn... Nhóm dịch vụ bảo hiểm, trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, dịch vụ sửa chữa, ngân hàng… bị khiếu nại nhiều.

Điển hình, một khách hàng mua bảo hiểm cho xe ô tô tải tại một công ty bảo hiểm với số tiền 45 triệu đồng. Thế nhưng, khi xe bị tai nạn, khách hàng đòi tiền bồi thường thì công ty lại đẩy trách nhiệm cho nhân viên bán bảo hiểm. Công ty cho rằng nhân viên bán bảo hiểm đó không phải là người của công ty. Giao dịch giữa chủ xe và nhân viên đó không liên quan đến công ty.
Quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại
Hàng nhái, hàng giả đang làm đau đầu cơ quan quản lý và xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi NTD

Trường hợp khác, một khách hàng đang rút tiền 2 triệu đồng tại máy ATM thì máy ngừng hoạt động. Khi đến ATM khác rút tiền, kiểm tra tài khoản thì khách hàng phát hiện lần giao dịch trước đó dù chưa hoàn thành nhưng số tiền 2 triệu đồng đã bị trừ. Khách hàng và AFCA phản ánh thì ngân hàng vẫn cương quyết quan điểm: “Máy không sai mà chỉ có người nhớ nhầm”. Tuy nhiên, sau khi trích lục lại camera thì phát hiện có một lỗi trong quá trình xử lý của máy ATM nên gây ra việc trừ tiền nhầm lẫn.

“Dở khóc dở cười” hơn nữa đó là tình cảnh của một khách hàng giao dịch trang web để mua xe ô tô. Trang web thiết kế rất sôi động với đầy đủ hình ảnh các loại xe xịn, đẳng cấp thế giới nhưng giá rẻ hơn so với thị trường. Trên web còn đăng cả mẫu phiếu đặt cọc và hợp đồng mua bán. Khi khách gọi điện thì đại diện trang web này thúc giục đặt tiền cọc với lý do “sắp hết hàng, hết khuyến mãi”. Khi khách hàng gửi 20 triệu tiền cọc thì mãi 3 ngày sau, công ty vẫn không chịu thực hiện hợp đồng mua bán. Trong khi đó, tại phiếu đặt cọc, trang web ghi rõ “sau 3 ngày, nếu không thực hiện hợp đồng thì số tiền đặt cọc đương nhiên bị mất”. Đòi không được, khách hàng lên tận công ty theo địa chỉ công bố trên trang web thì mới tá hỏa khi trụ sở chỉ là văn phòng trong cao ốc với diện tích trên 20m2. Nhiều lần đòi tiền không được, khách hàng còn bị bảo vệ của công ty chủ quản trang web dọa… đánh!.

“Chúng tôi đã khuyến cáo rất nhiều các doanh nghiệp kinh doanh qua mạng không thực hiện cam kết của mình với người tiêu dùng. Các cơ sở này thường yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước, nhận sản phẩm sau. Nhưng đa số những trường hợp này là lừa đảo, khách hàng chuyển tiền xong nhưng không thấy công ty giao hàng. Vì vậy, người tiêu dùng phải thực sự cảnh giác và đọc kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng”, ông Nguyễn Tường Minh, Tổng thư ký AFCA cho biết.

Công Quang