Quy hoạch mới của Cát Bà có ảnh hưởng tới loài Voọc quý hiếm?

Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc Khởi công Giai đoạn 1 Quần thể du lịch sinh thái Cát Bà (gọi tắt là Dự án) do Thành phố Hải Phòng phối hợp cùng Tập đoàn Sun Group tổ chức sáng ngày 14/5/2017. Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã trả lời về những vấn đề này.


Cát Bà là một quần thể đa dạng về sinh học

Cát Bà là một quần thể đa dạng về sinh học

Thưa ông, dư luận đang hoài nghi rằng Dự án được Khởi công nhưng thiếu các giấy phép cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Ông có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

-Mấy ngày qua tôi có đọc một vài thông tin trên mạng internet có nói về việc dự án được khởi công nhưng chưa đủ giấy phép. Về vấn đề này, tôi xin nói rõ thêm, hôm nay, Thành phố Hải Phòng và Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời khởi công hạng mục nhà ga, bến tàu, sân đỗ tại đảo Cát Hải .

Các hạng mục này đã đầy đủ giấy phép xây dựng, kế hoạch bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Những hạng mục này là khởi đầu của một Dự án bao gồm nhiều hạng mục. Đây là các hạng mục về hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Để tiến tới việc hiện thực hóa ý tưởng đưa Cát Bà trở thành hòn đảo du lịch sinh thái đầu tiên ở Việt Nam không có khí thải, phương tiện giao thông trên đảo hoàn toàn thân thiện với môi trường. Góp phần bảo tồn những giá trị đặc hữu của Đảo.

Tuy nhiên, đó là các hạng mục đầu tiên, còn trong thời gian tới sẽ triển khai tiếp các hạng mục khác trên đảo Cát Bà. Vậy ông có thể nói rõ là các hạng mục gì?

-Mục tiêu của Thành phố Hải Phòng là phát triển Cát Bà trở thành một hòn đảo du lịch sinh thái mang tầm quốc tế nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị tự nhiên, môi trường nên TP Hải Phòng cùng Tập đoàn Sun Group đã mời đơn vị Tư vấn quy hoạch nổi tiếng thế giới WATG (Hoa Kỳ) tới để có đánh giá tổng thể về hiện trạng của Cát Bà. Dựa trên các tài liệu và thực địa, các chuyên gia của WATG đã tuân thủ việc phân chia Cát Bà ra thành 4 khu vực: Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, Khu vực cần bảo vệ, Khu vực vùng đệm và Khu vực được phép phát triển. Trên cơ sở nghiên cứu thực tế địa hình, các chuyên gia có đưa ra khuyến cáo ở khu vực được phép phát triển thì nên làm cái gì, chỗ nào.

Đứng từ góc độ nhà quản lý chúng tôi thấy đây là quy hoạch tốt nhất đến thời điểm này cho Cát Bà. Chúng ta không thể “đóng cửa hoàn toàn”, không phát triển Cát Bà mà vấn đề là chúng ta phát triển như thế nào để đảm bảo sự bền vững. Bản quy hoạch đã giúp chúng tôi có một cái nhìn tổng thể và có được định hướng phát triển du lịch cho Cát Bà một cách bền vững để sau này tất cả các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư ở Cát Bà đều phải tuân thủ theo quy hoạch này. Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, Với Cát Bà thì bảo tồn để phát triển bền vững và phát triển để làm tốt hơn công tác bảo tồn.

Ông có thể cho biết cụ thể về dự án cáp treo dự kiến sẽ được xây dựng trên đảo Cát Bà? Tình trạng pháp lý của dự án này như thế nào?

-Hiện tại trong bản quy hoạch của WATG có đưa ra hệ thống cáp treo là phương tiện vận tải phù hợp với việc đảm bảo tiêu chuẩn sinh thái cho Cát Bà. Theo điều 23, khoản 4 của Nghị định 117/2010/NĐ-CP về Tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì “Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được xây dựng các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, biển chỉ dẫn phục vụ du lịch sinh thái”, như vậy trong trường hợp có hệ thống cáp treo ở đây cũng không vi phạm các quy định về bảo vệ rừng.

Tuy nhiên tôi khẳng định, trong quy hoạch, dự án cáp treo cách xa khu bảo vệ nghiêm ngặt, nơi có loài Vooc Cát Bà đang sinh sống và dự án sẽ chỉ được thực hiện khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt. Hiện nay, dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chưa thực hiện. Thành phố cũng sẽ sát sao cùng các nhà đầu tư để tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

Trên mạng cũng đang đưa các thông tin về việc sẽ có các dự án trong Khu vực vườn quốc gia Cát Bà, làm dấy lên lo ngại những dự án đó sẽ làm ảnh hưởng đến môi sinh của rừng quốc gia, đặc biệt là loài Vooc đầu trắng- loài thú quý hiếm tại Cát Bà. Xin ông cho biết cụ thể về việc này?

-Như tôi đã nói, Bản quy hoạch Cát Bà đưa Cát Bà thành 04 khu vực và loài Vooc đầu trắng- loài thú quý hiếm của Cát Bà nằm trong Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Khi làm quy hoạch chúng tôi nhận thấy các chuyên gia của WATG cũng chú ý đặc biệt tới điều này. Nhìn vào bản quy hoạch tổng thể, các dự án được quy hoạch đều nằm cách xa Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt – nơi sinh sống của loài Vooc Cát Bà quý hiếm và những dự án này nằm hoàn toàn trong vùng được phép phát triển, nơi đã có dân cư sinh sống và trên trục đường giao thông liên đảo hiện hữu.

Không có dự án nào ảnh hưởng tới loài Vooc và rừng quốc gia như các bạn lo ngại. Những dự án này nếu thực hiện cũng phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và đảm bảo các điều kiện khắt khe về Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Xin cảm ơn ông!

Hà Anh (ghi)