Quế, hồi Việt Nam: Chuyện về ngành xuất khẩu trị giá trăm triệu đô

Trường Thịnh

(Dân trí) - Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu quế, hồi đạt gần 400 triệu USD, sản lượng quế đứng thứ 3 thế giới còn hồi đứng thứ nhì (theo Hiệp hội Gia vị Thế giới). Nhờ chất lượng tốt và số lượng ổn định, mặt hàng này được nhiều thị trường ưa chuộng, săn đón.

Cơ hội làm giàu từ sản vật thiên nhiên

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO, năm 2020, Việt Nam nằm trong số 4 quốc gia đóng góp tới 98% tổng sản lượng quế toàn cầu. Còn hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc. Với nguồn tài nguyên này, Việt Nam là nhà cung cấp đầy tiềm năng của thị trường gia vị và hương liệu thế giới, được định giá 21,3 tỷ USD năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD năm 2026 (theo Marketsandmarkets.com).

Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Quế, hồi Việt Nam: Chuyện về ngành xuất khẩu trị giá trăm triệu đô - 1
Quế, hồi là gia vị nhiều món ăn đặc trưng, được dùng trong sản xuất rượu, bào chế dược phẩm (Ảnh: Vinasamex).

Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu mà Covid-19 gây ra, xuất khẩu quế, hồi Việt Nam vẫn có những điểm sáng. Năm 2021, giá hoa hồi khô và tươi tại Lạng Sơn tăng 20-50% so với năm 2020, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, năm 2021 doanh thu của đơn vị này tăng xấp xỉ 60%. Vinasamex sở hữu nhà máy ở Trấn Yên (Yên Bái) và đã đầu tư thêm 2 nhà máy tại Lào Cai và Lạng Sơn. Bà Huyền cũng nhận định, quế, hồi có rất nhiều công dụng cho sức khỏe, đúng lúc trong đại dịch, mối quan tâm gần như hàng đầu là những sản phẩm tăng sức đề kháng và dễ dàng chế biến, sử dụng tại nhà. Mặt khác, đầu ra của Vinasamex gồm những thị trường cao cấp và ổn định như EU, Mỹ, Hàn Quốc… nên đơn hàng đều đặn.

Quế, hồi Việt Nam: Chuyện về ngành xuất khẩu trị giá trăm triệu đô - 2
Nhà máy có công suất 40 tấn hàng/ngày của Vinasamex tại Yên Bái (Ảnh: Vinasamex).

Cần phát triển theo hướng bền vững

Một nghiên cứu thị trường năm 2021 của SNV (Tổ chức Phát triển Hà Lan) tại Việt Nam đã chỉ ra những ưu thế nổi trội của quế, hồi Việt Nam bao gồm: Khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với giống cây chất lượng cao, sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền địa phương đối với phát triển nông - lâm nghiệp… Thêm vào đó, một số doanh nghiệp tư nhân như Sơn Hà, Vinasamex, Visimex, Hagimex phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng, tạo mối liên kết với người nông dân và mở ra con đường sản xuất "sạch", nâng tầm quế, hồi trên trường quốc tế.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong về sản xuất hữu cơ, Vinasamex đã có trên 10 chứng nhận hữu cơ quốc tế và tập trung phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ tại Yên Bái, Lào Cai, Quảng Trị… Điều này giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn cung sản phẩm quế, hồi, gia vị sạch, đồng thời giúp nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác, bảo vệ môi trường.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, quế, hồi hữu cơ cho năng suất cao, ít rụng lá, tỷ lệ đậu hoa và hàm lượng tinh dầu cao hơn 15%-20%. Sản xuất hữu cơ cũng là hướng đi phù hợp xu hướng cũng như yêu cầu của những thị trường có sức tiêu thụ cao và nổi tiếng "khó tính". Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen thực hiện tại 60 quốc gia cho thấy EU là thị trường lớn thứ 2 của sản phẩm chứng nhận organic, 68% người tiêu dùng EU cho biết sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm hữu cơ.

Quế, hồi Việt Nam: Chuyện về ngành xuất khẩu trị giá trăm triệu đô - 3
Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu các sản phẩm quế, hồi hữu cơ Việt Nam tại Hội chợ nông sản BIOFACH 2020 tại Đức (Ảnh: Vinasamex).

Tại thị trường nội địa với gần 100 triệu người tiêu dùng, không phải ai cũng biết đến những tinh túy, công dụng của quế, hồi. Cũng theo nghiên cứu của SNV tại Việt Nam, diện tích trồng quế toàn quốc đã tăng từ 70.000 ha năm 2015 lên 123.970 ha năm 2020 (trong đó Yên Bái nhiều nhất với 75.000 ha). Tuy nhiên hầu hết thành phẩm được xuất khẩu hoặc do thương lái Trung Quốc thu gom, còn nhu cầu tiêu dùng nội địa khá thấp. Tại nhiều vùng nguyên liệu, chính người nông dân cũng bị hạn chế trong thông tin về chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, hoặc kiến thức marketing...

Theo một báo cáo của Vinasamex, cả nước có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị và hương liệu ở nhiều quy mô. Song quế, hồi mới chỉ được biết đến nhiều nhất với vai trò gia vị, mà khảo sát trên thị trường thì đa phần là hàng không rõ xuất xứ, không được đảm bảo và kiểm soát chất lượng. Thời gian tới, CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền cho biết công ty này có dự định trưng bày, giới thiệu và trải nghiệm giá trị của quế, hồi hữu cơ thông qua nhiều kênh phân phối, để ngày càng nhiều người Việt Nam tiếp cận các sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế và thấy được giá trị khác biệt so với hàng hóa trôi nổi.

Quế, hồi Việt Nam: Chuyện về ngành xuất khẩu trị giá trăm triệu đô - 4

Hơn 200.000 ha rừng quế, hồi trên cả nước là sinh kế của 2 vạn hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương (Ảnh: Vinasamex).

Những năm tới, ngành quế, hồi được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Đó là tín hiệu vui, tuy nhiên cũng đặt ra những lo ngại về nguy cơ chuyển đổi ồ ạt, khó khăn trong quản lý chất lượng, rủi ro giá cả, tác động xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội. Tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia trong ngành đã khuyến cáo vấn đề này cũng như góp ý cho sự phát triển bền vững của quế, hồi Việt Nam. Theo đó, chuyên gia khuyến cáo nên đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, tăng cường và đảm bảo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm đã chế biến hoặc tinh chế…