Quảng cáo vẫn chỉ làm thuê cho nước ngoài
Hiện cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, nhưng doanh thu từ quảng cáo của các doanh nghiệp này còn rất… khiêm tốn. Ông Trần Nguyệt Đán, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) nhận định về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam?
Qua Lễ hội ý tưởng quảng cáo do VAA tổ chức mới đây, tôi có thể khẳng định rằng, không thiếu các ý tưởng quảng cáo hay và độc đáo của các doanh nghiệp. Lễ hội này được tổ chức không chỉ nhằm mục đích tạo cơ hội cho các công ty quảng cáo, các nhà thiết kế quảng cáo thể hiện ý đồ sáng tạo, mà còn là nơi trình diễn các quảng cáo được xem là thành công trong thời gian qua.
30 doanh nghiệp chuyên doanh quảng cáo tham gia Lễ hội đã cho ra đời 20 ý tưởng thiết kế cho quảng cáo in và 200 ý tưởng cho quảng cáo truyền hình. Mặc dù các ý tưởng quảng cáo rất phong phú, đa dạng, song hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam là cách thức hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, nguồn thu từ quảng cáo rất… hạn chế.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Theo tính toán của VAA, mỗi năm doanh thu quảng cáo tại Việt Nam đạt khoảng một tỷ USD, song chủ yếu thuộc về 37 công ty quảng cáo nước ngoài (các công ty này hiện chiếm tới 80% thị phần quảng cáo tại Việt Nam). Các doanh nghiệp Việt Nam thực chất chỉ làm thuê cho nước ngoài theo kiểu “chỉ đâu đánh đấy”. Vì vậy, lợi nhuận chủ yếu “chảy” vào túi của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài.
Do vướng mắc cơ chế, hay tại năng lực của doanh nghiệp, thưa ông?
Tôi cho rằng, do cả hai nguyên nhân. Đến nay, chúng ta chưa thống nhất được cơ chế quản lý từ Trung ương tới địa phương. Nhiều thành phố vẫn chưa có quy hoạch quảng cáo, nhiều địa phương còn đưa ra những quy định bất hợp lý, thậm chí gây cản trở hoạt động quảng cáo.
Đơn cử như Đà Nẵng quy định, mỗi biển quảng cáo đặt ngoài trời chi phí trả thêm 300.000 đồng/m2, trong khi đó, các quy chế hoạt động của ngành quảng cáo không quy định như vậy.
Bên cạnh đó, cách làm quảng cáo của doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự bài bản. Hơn nữa, nhân lực trong ngành công nghiệp quảng cáo hiện quá ít, số người được đào tạo về quảng cáo theo đúng nghĩa chỉ có thể “đếm trên đầu ngón tay”.
Các trường đào tạo chuyên ngành quảng cáo chưa nhiều, đến nay mới chỉ có một bộ môn quảng cáo được giảng dạy tại Khoa Marketing, Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Để phát triển ngành quảng cáo theo hướng chuyên nghiệp, kế hoạch của VAA trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Vấn đề quan trọng là phải đánh giá đúng vai trò, vị trí của quảng cáo, từ đó đưa ra chiến lược cụ thể. Chúng ta có tiềm năng và phải biết khai thác tiềm năng này. Nước láng giềng Trung Quốc mỗi năm thu 20-25 tỷ USD quảng cáo, hay như chỉ một công ty của Nhật Bản đã thu tới sáu tỷ USD quảng cáo/năm, trong khi đó doanh thu từ quảng cáo của Việt Nam chưa đầy một tỷ USD.
Hơn nữa, khi hội nhập, quảng cáo không đơn thuần chỉ giới thiệu sản phẩm, mà còn gắn với thị trường, với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Năm 2006, VAA có kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu quảng cáo. Tiếp đó, chúng tôi hy vọng thành lập Trường đại học chuyên ngành về quảng cáo. Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều ngành.
Theo Đầu tư