Quản lý tài chính gia đình: Lựa chọn sản phẩm tài chính đúng cách

Việc lựa chọn sản phẩm và giải pháp tài chính hiệu quả cho gia đình sẽ không tốn thời gian hay quá khó khăn, nếu bạn ghi nhớ những lời khuyên dưới đây để “đặt đúng câu hỏi”.

“Đặt đúng câu hỏi” là điểm mấu chốt để lựa chọn sản phẩm tài chính hiệu quả nhất cho gia đình – Ông Wayne Besant và ông Sabbir Ahmed chia sẻ
“Đặt đúng câu hỏi” là điểm mấu chốt để lựa chọn sản phẩm tài chính hiệu quả nhất cho gia đình – Ông Wayne Besant và ông Sabbir Ahmed chia sẻ

Không chỉ đau đầu khi lựa chọn đầu tư, tiết kiệm hay bảo hiểm cho khoản tài chính của mình, các gia đình thường xuyên bối rối trước hàng loạt dịch vụ và sản phẩm khác nhau từ các tổ chức tài chính. Chọn sản phẩm tài chính như thế nào để tối ưu hóa khoản tiền của bạn? Theo các chuyên gia từ AIA Việt Nam và HSBC Việt Nam, mấu chốt nằm ở cách đặt câu hỏi về khả năng và nhu cầu tài chính.

Lựa chọn dịch vụ, sản phẩm ngân hàng hiệu quả

Ông Sabbir Ahmed - Giám đốc Toàn quốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam, có lời khuyên: “Trước hết, bạn phải biết được nhu cầu của mình là gì, tình trạng tài chính và các trách nhiệm tài chính hiện tại. Nói cách khác, việc quyết định tham gia vào một sản phẩm tài chính cụ thể phụ thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của một cá nhân, vốn thay đổi theo độ tuổi, tính cách, nhu cầu, trình độ, kinh nghiệm và tình trạng của mỗi người”. Theo đó, tiết kiệm được xem là phương án an toàn và phổ biến nhất bởi bạn có sự linh động trong việc lựa chọn kỳ hạn, số tiền đầu tư và được đảm bảo về lợi nhuận. Trong khi đó, những người có khả năng chấp nhập rủi ro cao hơn có thể cân nhắc các hình thức đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu.

Sẽ có thể là một sai lầm nếu bạn trì hoãn việc tiết kiệm hoặc chờ đợi gom góp một số tiền đủ lớn để gửi trong một đợt. Có thể lãi thu được trên một khoản tiền lớn là cao hơn, nhưng bạn nên biết rằng tiết kiệm từ sớm với số tiền nhỏ và duy trì thói quen này lâu dài sẽ thu được lợi nhuận còn tốt hơn. Vì thế, “tiết kiệm sớm và có kế hoạch tài chính dài hạn là những nguyên tắc cơ bản để quản lý tài chính hiệu quả”, ông Sabbir gợi ý.

Trong những năm gần đây, những lựa chọn về tín dụng ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn. Nhưng bạn nên tự hỏi, "khi nào dùng thẻ tín dụng, khi nào vay ngân hàng?". Với những khoản tiêu nhỏ cần ứng trước, thẻ tín dụng sẽ là lựa chọn tối ưu, trong khi mục tiêu lớn như mua xe, mua nhà, du học…sẽ cần những khoản vay dài hạn hơn. Thủ tục của các khoản vay này ngày càng được tối ưu hóa để hỗ trợ các gia đình trẻ. Đối với thẻ tín dụng, ông Sabbir Ahmed lưu ý, "đây là một sản phẩm phù hợp với phong cách tiêu dùng hiện đại và người tiêu dùng nên học cách trở thành một chủ thẻ thông minh".

Theo ông, chủ thẻ thông minh là những người luôn nắm rõ những ưu điểm của thẻ tín dụng như giảm giá trực tiếp tại các nhà cung cấp, chương trình khuyến mãi, thời gian miễn lãi suất, chương trình điểm thưởng, chương trình mua hàng trả góp không lãi suất, các lợi ích cộng thêm khác… và tận dụng tối đa những ưu đãi này để đạt được những kì vọng chi tiêu của mình.

Với các sản phẩm vay khác, chẳng hạn như vay tiêu dùng, ông cho biết hiện trên thị trường có hai cách tính lãi suất: lãi suất tính trên số dư nợ cố định và lãi suất tính trên số dư nợ giảm dần. Với mỗi cách tính sẽ cho ra mức lãi suất công bố khác nhau, thậm chí rất chênh lệch, nhưng trên thực chất, điều này không đồng nghĩa với việc chênh lệch về số tiền phải trả hàng tháng. Vì vậy, người đi vay không nên chỉ chú ý vào con số lãi suất mà nên tham vấn nhân viên ngân hàng về số tiền phải trả tương ứng với lãi suất đó, hoặc cách đơn giản hơn, có thể sử dụng công cụ tính toán có sẵn trên các cổng thông tin điện tử của ngân hàng.

Ba câu hỏi cho gia đình bạn trong bảo hiểm nhân thọ

Các gia đình có khoản thu nhập ổn định thường được khuyên nên trích ra một khoản để dành cho bảo hiểm. Theo ông Wayne Besant, Tổng Giám đốc AIA Việt Nam, "lợi ích từ các dịch vụ bảo hiểm được phân biệt bằng ba yếu tố: đối tượng được bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, và mục đích bảo hiểm".

Với yếu tố đầu tiên, "mua bảo hiểm cho ai?", ông Wayne cho hay nguyên tắc mua bảo hiểm thường là ưu tiên cho thành viên trụ cột của gia đình để đảm bảo chỗ dựa của cả nhà, phòng khi bất trắc xảy ra.

Tuy nhiên, bạn còn phải xem xét vấn đề “mua trong bao lâu?”. Đối với những sản phẩm bảo hiểm có yếu tố tích lũy, tức là có được giá trị lớn sau khi đóng góp những khoản nhỏ (chỉ từ 14.000đ/ngày) trong nhiều năm, thời gian đóng bảo hiểm càng dài thì lợi ích càng lớn. Vì vậy, nếu bạn nghĩ đến việc này lúc trung niên thì nên mua thêm các sản phẩm bổ sung, hoặc khi tuổi đã cao thì có lẽ bảo hiểm cho tương lai học vấn của con sẽ nhiều ý nghĩa hơn. “Đây là lý do mà tôi muốn khuyên các gia đình nghĩ đến việc tham gia bảo hiểm thật sớm để tối đa hóa thời gian đóng bảo hiểm.” ông Wayne cho biết.

Sau khi trả lời được hai câu hỏi này, phạm vi lựa chọn đã thu hẹp hơn. Để chọn "bảo hiểm cho cái gì?", bạn cần phải xem xét tính chất của từng loại bảo hiểm. Hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm có thể gộp nhiều lợi ích về sức khoẻ, rủi ro và an toàn tài chính hay đầu tư giáo dục cho con cái. Tùy theo nhu cầu của bạn, có thể một trong những yếu tố kể trên sẽ được ưu tiên hơn. Do đó, bạn chỉ cần cân nhắc đâu là yếu tố quan trọng nhất để chọn được loại bảo hiểm có lợi ích gắn liền lớn nhất.

Trong bảo hiểm hiện cũng đã có sản phẩm liên kết đầu tư, một phần phí bảo hiểm được dành để đầu tư (theo ý muốn của khách hàng) và khách hàng sẽ nhận được cả lợi ích bảo hiểm và lãi trên số tiền đầu tư. Để đầu tư thành công, “Bạn nên tìm hiểu thông tin kỹ càng và nhờ đến những nhân viên tư vấn chuyên nghiệp. Với sự hợp tác của bảo hiểm và ngân hàng, giờ đây nhiều ngân hàng như HSBC có thể tư vấn về giải pháp tài chính tổng thể cả cho tài chính ngân hàng và bảo hiểm”, ông Wayne nói.

N.Linh