Quan hệ song phương xấu đi, Ấn Độ nói không với dầu thô Trung Quốc

Hương Vũ

(Dân trí) - Các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ đã ngưng mua dầu thô từ các công ty Trung Quốc.

Quan hệ song phương xấu đi, Ấn Độ nói không với dầu thô Trung Quốc - 1

Theo Reuters, tuần vừa qua, các nhà máy lọc dầu nhà nước của Ấn Độ đã quyết định ngừng gửi các lời mời dự thầu cung cấp dầu thô đến các công ty Trung Quốc như CNOOC, Unipec và PetroChina.

Động thái này được cho là do luật mới mà các nhà lập pháp Ấn Độ thông qua nhằm hạn chế nhập khẩu từ các nước láng giềng, trong bối cảnh quan hệ song phương với Trung Quốc xấu đi sau cuộc đụng độ ở khu vực biên giới Trung - Ấn.

Hồi đầu tháng 8, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ cũng đưa ra tuyên bố sẽ ngừng thuê tàu chở dầu và nhiên liệu do Trung Quốc sở hữu hoặc mang cờ Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.

Nguồn tin của Bloomberg nói rằng, các tàu do Trung Quốc sở hữu hoặc đăng ký bị cấm tham gia đấu thầu tàu chở dầu dùng để nhập khẩu dầu thô vào Ấn Độ hoặc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ra khỏi Ấn Độ.

Trung Quốc không xuất khẩu dầu thô sang Ấn Độ, tuy nhiên các công ty Trung Quốc là những thương nhân chính của mặt hàng này trên toàn cầu cũng như nắm giữ cổ phần tại nhiều mỏ dầu trên thế giới, và thường xuyên tham gia dự thầu cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ.

Tại Ấn Độ, các nhà máy lọc dầu quốc doanh nắm 60% công suất lọc 5 triệu thùng dầu mỗi ngày và thường xuyên giao dịch qua thị trường dầu thô giao ngay. Ấn Độ tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới, với lượng nhập khẩu chiếm gần 84% nhu cầu dầu tiêu thụ.

Được biết, luật mới về nhập khẩu từ các nước láng giềng yêu cầu bất kỳ người bán nào muốn tham gia đấu thầu dầu từ các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ phải đăng ký với Bộ Thương mại Ấn Độ.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ, với các giao dịch thương mại hàng điện tử, máy móc công nghiệp và hóa chất hữu cơ trị giá hơn 70 tỷ USD vào năm 2019. Trước đó, Ấn Độ cũng đã ban hành lệnh cấm đối với hàng loạt ứng dụng điện thoại Trung Quốc nhằm giảm bớt sự lệ thuộc đối với sản phẩm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.