Quán hàng chộn rộn chọn ngày mở cửa
(Dân trí) - Tết “con Hổ” 2010 là cái tết có chuỗi ngày nghỉ khá dài đối với giới công chức làm công ăn lương, nhưng lại là “cái tết ngắn” đối với nhóm người “hoạt động tự do” như: đi chợ, bán hàng, chạy taxi…
Mở hàng với các loại quả tươi đủ sắc màu phục vụ du khách đi lễ đầu năm.
Khi những quán hàng xung quanh đều “cửa đóng then cài”, thì các nhân viên phục vụ tại quán cà phê 48 Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) đã được chủ quán triệu tập ngay từ chiều mồng một tết.
Một nhân viên cho biết: “Đây là năm đầu tiên quán chúng em mở cửa vào chiều mồng một tết để đón ngày đẹp. Và quả thật, kể từ lúc mở cửa, các dãy bàn ghế trên diện tích hơn 100m2 của quán lúc nào cũng đông nghịt khách”.
Còn nhân viên phục vụ các quán bánh tôm trên Phủ Tây Hồ gần như không có khái niệm tết khi “những ngày đầu năm người ta đi lễ nhiều là thời điểm chúng em bận rộn nhất. 6h sáng ngày mồng một chúng em đã mở cửa hàng để dọn dẹp bàn ghế và chuẩn bị thực đơn đón khách đi lễ ghé quán ăn quà. Mồng một mở hàng đã thành thông lệ của quán hàng năm nhưng em nghe nói mồng một năm nay là ngày đẹp”, nhân viên quán Hải Đăng nói.
Với quan niệm “vạn sự khởi đầu nan”, chọn được ngày đẹp để mở hàng đối với dân làm ăn buôn bán rất quan trọng. Vậy nên, không chỉ quán cà phê hay hàng ăn gần các đền chùa, nhiều hàng quán ven đường cũng mở cửa sớm.
Chị Bắc bán hàng nước chè trên đường Nguyễn Khuyến cho biết: “Nhà gần đường cũng có cái tiện, cứ tính mở hàng sớm để lấy ngày, ai dè khách ghé quán đông quá nên tôi mở hàng ngay từ trưa mồng 2 tết. Bán lắt nhắt vậy mà cũng được tiền triệu”.
Anh Hách, lái xe taxi Thành Công vui vẻ nói: “Taxi tết này đắt hàng. Tôi không làm xuyên năm như những người đồng nghiệp mà bắt đầu mở cửa xe từ chiều mồng hai tết. Tính từ đó đến giờ đã thu về gần 10 triệu đồng, đó là chưa kể có nhiều lúc bắt gặp 2 - 3 khách, tôi buộc phải chọn khách hàng đến trước để phục vụ”.
Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) cũng mở cửa, đỏ đèn từ sáng sớm ngày mồng 3 tết. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Siêu thị BigC chia sẻ: “BigC không xem ngày, mà đã thành thông lệ, cứ trưa 30 là chúng tôi đóng cửa và sáng mồng ba đầu năm mới đã mở cửa bán hàng để đón khách mua sắm, thăm quan”.
Những gian hàng rau và thịt “tự phát” dễ dàng bắt gặp tại các cổng chợ.
Và đến giờ này, mồng bốn tết, đi qua con đường nào hay dạo quanh góc phố nào, bạn sẽ luôn bắt gặp rất nhiều quán hàng mở cửa chào đón bạn ghé chân. Nắm bắt nhu cầu của người dân, những người đi chợ cũng đã tay thúng tay mẹt bày bán thực phẩm tươi sống, rau quả tươi ở cổng chợ, vì chợ chính chưa chính thức bắt đầu.
Chị Lan, một người bán hàng tại chợ Thành Công (Hà Nội) nói: “Nhu cầu đi chợ sớm của người dân năm nay vắng hơn năm ngoái, đó có thể là ngày nghỉ kéo dài nên ngày họ tiếp đón bạn bè cũng muộn hơn.
Giá cả các mặt hàng những ngày cận tết tăng cao rồi nên ngày đầu năm chúng tôi mở hàng lấy may để mong một năm làm ăn phát tài là chính chứ chưa tính đến lời lãi”.
Theo khảo sát tại một số chợ ở Hà Nội, giá rau củ quả không thay đổi so với những ngày cuối năm ngoái; tuy nhiên, thịt lợn, xương lợn, cá có xu hướng “nhích” giá.
Hiện tại, giá thịt lợn “chạy” quanh mức 70.000 đồng/kg, dẻ sườn 80.000 đồng/kg, cá khoảng 100.000 đồng/kg… Giới nội trợ dự báo: Giá chợ sẽ tăng tốc từ ngày mồng 6 trở đi cho đến qua rằm tháng Giêng.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền