PVFC và Western Bank sẽ “biến mất” sau ngày 11/10
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận việc hợp nhất của PVFC và Western Bank. Đến hết ngày 11/10, hai đơn vị này phải hoàn tất việc xóa tên trên thị trường để ra mắt ngân hàng hợp nhất PVcomBank.
Ngày 13/9, Ngân hàng nhà nước cho biết vừa chấp thuận việc hợp nhất Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) và Tổng công ty tài chính CP Dầu khí (PVFC) thành Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank).
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Đại chúng có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Phương Tây và Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam. Đến hết ngày 11/10, PVcomBank phải hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; bố cáo hợp nhất và tổ chức khai trương hoạt động ngân hàng hợp nhất theo quy định.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Phương Tây và Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng hợp nhất. Cũng trong thời gian này, hai bên phải thực hiện thủ tục xóa tên Ngân hàng TMCP Phương Tây và Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam trong sổ đăng ký doanh nghiệp; bố cáo hợp nhất theo quy định của pháp luật và thực hiện các nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Ngày 8/9 vừa qua, Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (mã PVF) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WTB) đã tiến hành bầu các chức danh thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ từ 2013 - 2018. Trong số những gương mặt được cổ đông bỏ phiếu vào ban lãnh đạo nhiệm kỳ đầu của PVcomBank có nhiều gương mặt quen thuộc đến từ PVFC, gồm: ông Nguyễn Đình Lâm (Chủ tịch PVFC), ông Vũ Huy An (phó chủ tịch PVFC) , ông Lê Minh Tuấn, ông Trịnh Hữu Hiền, ông Đoàn Minh Mẫn (thành viên HĐQT PVFC), ông Nguyễn Khuyến Nguồn (thành viên HĐQT PVFC) được bầu làm thành viên HĐQT chuyên trách. Ông Vũ Trọng Thủy được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập.
Trong số thành viên HĐQT thường trực được đề cử thì ông Nguyễn Đình Lâm đạt tỷ lệ bầu cao nhất, 99,86%. Ông Lâm cũng được các cổ đông bầu và phân công làm Chủ tịch HĐQT của ngân hàng hợp nhất PVcomBank.
Trong đề án hợp nhất, Ngân hàng Đại chúng có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2014 và tăng lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015. Về kế hoạch hoạt động, PVcomBank sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực tín dụng là dầu khí, khai thác khoáng sản, điện...
Để chuẩn bị cho sự hoạt động của ngân hàng hợp nhất PVcomBank, ngày 12/9, Sở GDCK TPHCM đã có quyết định chính thức về ngày hủy niêm yết cổ phiếu PVF là ngày 24/9/2013, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 23/9.
Được biết, sau khi hủy niêm yết, cổ phiếu PVF vẫn thực hiện giao dịch trên sàn OTC, theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, ngay sau khi hủy niêm yết, danh sách cổ đông của PVFC sẽ được trung tâm lưu ký bàn giao lại cho PVFC tự quản lý. Cổ phiếu PVF và WTB sẽ được hoán đổi tự động theo tỷ lệ 1:1. Sau đó PVFC và WTB sẽ chuyển danh sách cổ đông ngân hàng hợp nhất cho đơn vị đầu mối thực hiện dịch vụ quản lý sổ cổ đông của PVcomBank là PSI. PVcomBank sẽ thực hiện quản lý cổ đông dựa trên danh sách lưu ký điện tử.
Giai đoạn 2, sau khi PVcomBank thành lập, PVcomBank sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký công ty đại chúng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đăng ký lưu ký tại trung tâm lưu ký. Sau đó, cổ đông thực hiện giao dịch cổ phiếu tại các công ty chứng khoán, nơi các cổ đông đang có tài khoản giao dịch.
An Hạ