PNTR: chỉ còn vấn đề thời gian

Trong chuyến về Mỹ làm việc, ông Thomas O’Dore - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam cùng các thành viên trong đoàn AmCham VN đã dành thời gian để vận động các nghị sĩ và giới kinh doanh Mỹ bỏ phiếu cho Qui chế PNTR cho VN. Ông O’Dore đã dành cho báo giới một cuộc trả lời phỏng vấn.

Thưa ông, cuộc vận động hành lang của đoàn có khả quan không?

 

Không riêng các thành viên trong đoàn AmCham VN quan tâm đến PNTR cho VN, mà nhiều đại diện AmCham từ các nước châu Á khác cũng chú ý đến vấn đề này bởi việc VN được hưởng PNTR có nghĩa là VN khẳng định được quá trình tự do hóa thương mại của mình đối với Mỹ.

 

Điều đó sẽ có lợi hơn cho tất cả các nước có quan hệ đối tác về kinh tế, thương mại với VN.

 

Giới kinh doanh Mỹ nói chung mong đợi PNTR sẽ sớm được thông qua cho VN. Tổng thể, chúng tôi đã gặp khoảng 150 nghị sĩ cao cấp của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Chúng tôi cảm nhận được sự ủng hộ đa số trong Thượng viện đối với PNTR cho VN.

 

Còn Hạ viện, do tỉ lệ cử tri cao hơn nhiều nên số lượng hạ nghị sĩ đại diện cho các nhóm lợi ích của các bang cũng lớn hơn, vì thế họ đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Điều này cũng tương tự trong các cuộc gặp của chúng tôi với giới kinh doanh Mỹ.

 

Chẳng hạn hai bang Montana và Wyoming phát triển ngành công nghiệp thịt bò rất mạnh, hay Carolina là dệt may..., họ đều đặt câu hỏi liệu ngành công nghiệp của họ được lợi gì từ việc thông qua qui chế này và từ việc VN gia nhập WTO.

 

Tất nhiên, chúng tôi đều trả lời rất thành thật về mọi vấn đề họ quan tâm, rằng kinh tế VN đang phát triển nhanh, có nhiều thay đổi, cải cách đang diễn ra theo hướng tích cực, Chính phủ VN đang nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư...

 

Đó là những điều chúng tôi hoàn toàn có thể trả lời được, bởi chúng tôi đều sinh sống và làm việc cho nhiều công ty Mỹ trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dệt may...ở VN.

 

Trong quá trình tiếp xúc, ông thấy các nghị sĩ và giới kinh doanh lưu tâm nhất điều gì?

 

Thật ra ở Quốc hội, vấn đề tự do tôn giáo ở VN có được đặt ra. Tôi có cảm giác một số nghị sĩ có suy nghĩ là khi trao PNTR cho VN, họ sẽ mất ảnh hưởng trong việc yêu cầu VN thực hiện tự do tôn giáo. Tuy nhiên, giới kinh doanh không có bất cứ lo ngại nào như vậy.

 

Rõ ràng, dự luật PNTR cho VN là một dự luật tương đối đơn giản và không gây “đau đầu”. Ở đây chỉ còn vấn đề thời gian. Và điều này không có liên quan gì đến VN mà hoàn toàn do qui định trong qui trình làm việc của Quốc hội Mỹ.

 

Theo ông, Quốc hội Mỹ có thể thông qua PNTR cho VN trong tháng bảy hay không?

 

Theo tôi, khả năng lớn hơn là PNTR sẽ được thông qua trong thời gian Quốc hội Mỹ họp lại vào tháng chín. Quốc hội sẽ có kỳ nghỉ trong tháng tám. Còn từ tháng mười đến hết năm, thông thường có rất ít hoạt động xảy ra trong quốc hội.

 

Mà tôi hiểu là chính quyền của Tổng thống Bush muốn PNTR cho VN được thông qua trước khi ông Bush sang VN tham dự Diễn đàn châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

 

Ông có đánh giá gì về nỗ lực của phía VN trong các hoạt động vận động hành lang cho qui chế này?

 

Tôi vui mừng vì VN đã nhận thấy nhu cầu vận động hành lang, học hỏi nhanh và có nhiều nỗ lực vận động để tiếp tục cải thiện quan hệ hai nước.

 

Trong thời gian về Mỹ vừa qua, tôi đã gặp bà Ninh (bà Tôn Nữ Thị Ninh - phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) và nhiều đại biểu Quốc hội khác của VN khi đoàn sang Mỹ vận động cho qui chế này.

 

Xin cám ơn ông!

 

Theo Hương Giang

Báo Tuổi trẻ