Phó Thủ tướng: Không để xảy ra tình trạng “giành giật” phi công!
(Dân trí) - “Phi công do Nhà nước đào tạo là tài nguyên quốc gia, không để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Không quảng cáo quá năng lực của hãng hàng không. Việc các hãng sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá”.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Uỷ ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia - nhấn mạnh vấn đề nói trên, khi chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm sáng nay (15/8), tại trụ sở Chính phủ.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Cục Hàng không Việt Nam chính thức đạt được Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không quốc gia mức 1 (CAT1) của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ hồi đầu năm nay, nâng vị thế của nhà chức trách hàng không Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong công tác mở rộng thị trường, hoạt động hợp tác liên doanh, đặc biệt là tiền đề mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không còn một số hạn chế, tồn tại. Trong 6 tháng qua đã xảy ra một số vụ việc như: Trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; gây rối trật tự công cộng, đe doạ nhân viên hàng không, điển hình là vụ việc hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên hàng không.
Trong kiểm soát khai thác bay chưa đảm bảo tuân thủ quy định đã xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác xếp lịch bay và kiểm soát thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay. Hiện nay, các hãng đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (50 quốc tịch), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá việc này có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá.
“Không nên để xảy ra tình trạng giành giật phi công trong nước. Phi công do Nhà nước đào tạo là tài nguyên quốc gia, không để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Không quảng cáo quá năng lực của hãng hàng không. Không tăng chuyến để buộc phi công phải quay vòng nhanh. Phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm cho chững chạc, đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cũng như nhiệm vụ cụ thể được giao cần quyết liệt, nghiêm túc thực hiện để đạt mục tiêu đề ra là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, cập nhật các văn bản pháp luật, quy định về an ninh hàng không phù hợp với quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các địa phương nghiêm túc xây dựng quy chế làm việc, giao ban trao đổi tình hình, tuân thủ nguyên tắc “4 tại chỗ”, tránh tính đơn giản, hình thức; chú trọng công tác diễn tập, xây dựng quy trình ứng phó các tình huống uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông hàng không cho toàn xã hội, cho mọi tầng lớp nhân dân, lấy xây dựng văn hoá an toàn trong cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp hàng không làm động lực.
Châu Như Quỳnh