Phát triển công nghiệp ô tô: Cần có lộ trình thuế quan rõ ràng

Trong quyển “Sách trắng 2011” do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa phát hành cuối năm 2011, cơ quan này đã đưa ra những đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường và phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đến thời điểm này, niềm tin về sự phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đối với không ít người đã cạn. Tuy nhiên, EuroCham lại cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ hơn nữa thì ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển, chịu được sự cạnh tranh từ nước ngoài tại thị trường trong nước. Thậm chí, theo cơ quan này, cơ hội để Việt Nam trở thành một trung tâm công nghiệp ôtô lớn của khu vực ASEAN đồng thời là cơ sở để xuất khẩu vẫn còn.

Trong đó, về chính sách thuế, EuroCham kiến nghị tránh điều chỉnh liên tục các sắc thuế có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của ngành Công nghiệp ôtô. Theo EuroCham, để ngành Công nghiệp ôtô phát triển và đứng vững ít nhất là đến mốc 2018 (thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0%) thì điều quan trọng là tạo lập được một chuỗi cung cấp linh kiện ôtô trong nước, tức phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ôtô. Để khuyến khích ngành này, EuroCham cho rằng Việt Nam nên xem xét việc đưa ra những ưu đãi thuế rõ ràng. EuroCham đánh giá việc xác định một lộ trình thuế quan rõ ràng và tránh tăng hay giảm thuế liên tục là điều đặc biệt quan trọng. “Những thay đổi thường xuyên và thay đổi lớn về thuế (cụ thể là thuế GTGT, thuế TTĐB và lệ phí trước bạ) đã làm gián đoạn đáng kể các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung cấp và các hoạt động bán lẻ của những bên tham gia vào ngành ôtô do xuất hiện những mức cầu cao điểm và thấp điểm giả tạo trên thị trường”, EuroCham phân tích.
 
Phát triển công nghiệp ô tô: Cần có lộ trình thuế quan rõ ràng - 1

Ngoài ra, EuroCham cũng kiến nghị Việt Nam nên cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng. Bởi theo cơ quan này, việc cho phép nhập khẩu xe đã qua sử dụng hoàn toàn có thể giúp một số đối tượng lợi dụng để “biến hóa” giữa xe mới và xe cũ để trốn thuế. Bên cạnh đó, việc cấm nhập xe cũ chắc chắn sẽ góp phần giúp tăng sản xuất trong nước và nhập khẩu xe mới kèm theo các dịch vụ phù hợp và đảm bảo cho khách hàng Việt Nam.

Theo EuroCham, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc hiện đang chiếm khoảng 30% tổng dung lượng thị trường. Đây là thị trường quan trọng để cung cấp các loại xe chuyên dụng và xe con với thông số kỹ thuật cao hơn mà hiện chưa sản xuất được ở Việt Nam. Do đó, để có thể phát triển được ngành Công nghiệp ôtô, “EuroCham cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên tiên phong gắn kết các công ty nhập khẩu CBU và các nhà sản xuất CKD trong nước nhằm vạch ra một chính sách rõ ràng... Một ngành kinh doanh quy mô lớn như ôtô cần được tổ chức theo hướng dài hạn vì ngành này sẽ tăng trưởng khi hiệp định thuế quan ưu đãi trong khuôn khổ WTO và ASEAN/AFTA được áp dụng”, cuốn sách nêu rõ quan điểm.

Theo EuroCham, giao thông đường bộ vẫn là hình thức vận chuyển hàng hóa và người thuận tiện, tiết kiệm nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng trở nên trầm trọng. Vì vậy, "Chính phủ cần mở rộng chương trình phát triển hệ thống giao thông đường bộ như một kế hoạch trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trong những yêu cầu tiên quyết là nâng cấp hạ tầng và xây dựng điểm đỗ xe tốt hơn, qua đó giảm bớt ùn tắc giao thông đồng thời hữu ích với người điều khiển phương tiện"- “Sách trắng” đề xuất.

Ngoài các kiến nghị trên, EuroCham cũng cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy phát triển các vấn đề môi trường, giảm bớt các gánh nặng thủ tục hành chính, phát triển thị trường bán lẻ một cách chuyên nghiệp...

Theo Thanh Thúy
Báo GTVT