1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Phạt nặng các hành vi uy hiếp an toàn hàng không

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định ban hành Nghị định 60/2010/NĐ-CP quy định về tăng mức xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Nghị định mới được sửa đổi theo hướng bổ sung các hành vi vi phạm và tăng mức xử phạt, thêm thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan, đơn vị chức năng. Một số vi phạm về giá, phí trong lĩnh vực hàng không, gây mất trật tự tại khu vực cảng hàng không, sân bay... đã được bổ sung trong Nghị định mới.
 
Theo đó, các vi phạm về báo cáo sự cố, tai nạn tàu bay, mở cửa thoát hiểm, phòng chống lụt bão cũng được quy định cụ thể hơn so với trước; đối với mỗi hành vi vi phạm, tổ chức cá nhân phải chịu một trong 2 hình thức xử phạt là cảnh cáo và phạt tiền.
 
Phạt nặng các hành vi uy hiếp an toàn hàng không - 1
Từ 20/7, sẽ tăng mức xử phạt hành chính vi phạm hàng không dân dụng (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
 
Các hành vi vi phạm phổ biến của hành khách được quy định mức phạt cụ thể như sau: hút thuốc, sử dụng điện thoại trên máy bay bị phạt tiền tối đa là 1 triệu đồng; mở cửa thoát hiểm tàu bay trái quy định bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; hành khách sử dụng các loại thiết bị điện tử, thu phát sóng trên tàu bay khi không được phép bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
 
Hành khách vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay; vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh trật tự trong cảng hàng không, sân bay; đe dọa nhân viên hàng không đang thực hiện nhiệm vụ tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực hạn chế khác; các hành vi đe dọa hành khách, thành viên tổ bay tại cảng hàng không, sân bay bị phạt tiền từ 500.000 - 3.000.000 đồng.
 
Đặc biệt, hành vi đưa chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất cháy vào khu vực hạn chế, lên tàu bay trái quy định hoặc tung tin cũng như cung cấp thông tin sai về việc có bom, vật liệu nổ, chất nổ... có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng/hành vi.
 
Mua, bán, chuyển nhượng quyền vận chuyển hàng không bị phạt 100 triệu đồng. Người khai thác tàu bay không tổ chức giám sát an toàn, an ninh đối với việc khai thác tàu bay theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng.
 
Đối với vi phạm quy định về hoạt động bay, Nghị định quy định phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng nếu người khai thác tàu bay thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc người khai thác tàu bay thực hiện chuyến bay thao diễn, luyện tập trên khu vực đông dân mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Các hãng hàng không dân dụng sẽ bị phạt từ 50 - 100 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm như sau: vận chuyển hàng nguy hiểm mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc công nhận; kinh doanh vận chuyển hàng không khi chưa được cấp quyền vận chuyển hoặc vi phạm quy định về điều kiện của quyền vận chuyển hàng không đã được cấp; mua, bán, chuyển nhượng quyền vận chuyển hàng không...
 
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải chịu các hình thức phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề... và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra.
 
Nghị định 60/2010/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/7/2010 và thay thế cho Nghị định 91 ban hành năm 2007.
 
Châu Như Quỳnh