Phấp phỏng chờ… tác dụng phụ của “thuốc” kiềm chế lạm phát
(Dân trí) - “Những tác dụng phụ của chính sách kiềm chế lạm phát thời gian qua chưa đánh giá được hết trên các mặt. Chỉ số giá tiêu dùng có giảm nhưng nếu không phải do thắt chặt tiền tệ mà do sức mua thì sẽ tái diễn tình trạng giảm phát như năm 2008”…
Đời sống đã dễ chịu hơn
Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) sau khi đưa ra những phân tích, nhận định không mấy khả quan về tình hình kinh tế thế giới năm tới cho rằng 2012 tiếp tục là một năm sóng gió với Việt Nam. Khó khăn lớn nhất, theo ông Tín, là việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ (khu vực tạo nhiều việc làm nhất) đã lao đao, chật vật mấy năm qua. Rất nhiều doanh nghiệp đang ở tình trạng “sống dở chết dở” vì mức lãi suất quá sức chịu đựng năm 2011.
“Nếu thời gian tới không hạ được lãi suất xuống dưới 15%/năm, hạ tỷ lệ lạm phát xuống dưới 10% thì chỉ 1 năm nữa, hầu hết các doanh nghiệp này không thể tồn tại” - ông Tín cảnh báo. Từ đó, đại biểu cho rằng, không nên chạy theo tăng trưởng. Mục tiêu tăng GDP đặt ra cho năm tới 6% với điều kiện kiềm chế được chỉ số giá dưới 6%, đại biểu cho là đã… quá thành công.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) tiếp lời phân tích, lạm phát quá cao làm nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc nhưng “vống” lãi suất, tín dụng đen bùng nổ khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm.
Ông Hoàng yêu cầu Chính phủ sớm tìm ra giải pháp để cuộc chiến chống lạm phát đạt hiệu quả cao hơn. Ông Hoàng cũng khuyến nghị không nên đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2012, có thể chấp nhận mức tăng thấp hơn 2011 để kiếm chế bằng được lạm phát.
Lạc quan hơn, đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cho rằng tình hình kinh tế những tháng gần đây có chuyển biến rõ nét. Lạm phát bước đầu kìm chế, thu ngân sách tăng cao, xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm mạnh là những tín hiệu đáng mừng. Theo đại biểu, “cái người dân cảm nhận được được là tốc độ tăng giá giảm dần, đời sống những tháng cuối năm này dễ chịu hơn nhiều so với đầu năm 2011”.
Nhận định niềm tin vào hiệu quả công tác điều hành của Chính phủ đang tăng cao, ông Tùng cho rằng, chỉ tiêu tăng GDP năm 2012 từ 6 – 6,5% hoàn toàn có thể đạt được.
Xác nhận hiệu quả đem lại từ những giải pháp điều hành thời gian qua nhưng đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cảnh báo, những tác dụng phụ của chính sách kiềm chế lạm phát thời gian qua chưa đánh giá được hết trên các mặt. Chỉ số giá tiêu dùng có giảm nhưng là hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ hay do giảm sức mua trong dân chưa phân rõ.
“Nếu giảm giá do sức mua thì sẽ tái diễn vòng luẩn quẩn lạm phát - giảm phát như năm 2008”, ông Lịch tán thành chỉ tiêu giảm CPI xuống mức 1 con số vào năm sau vì nếu vẫn để tăng giá tới 2 con số sẽ dẫn đến hệ quả mất dần thành quả trong nhiều năm. Chỉ tiêu tăng trưởng, đại biểu “bỏ phiếu thuận”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành ủy Đà Nẵng) quy nguyên nhân lạm phát về những bất ổn trong hệ thống tài chính ngân hàng. Việc hàng loạt ra ngân hàng mới ra đời, nền kinh tế có hàng trăm ngân hàng trong khi quản lý nhà nước yếu, theo ông Thanh, dẫn đến việc khó kiểm soát.
Mô hình một ngân hàng, đại biểu khái quát, có vốn khoảng 1000 tỷ đồng, huy động được 10.000 tỷ nữa mang đi buôn bất động sản khiến giá đất “sốt xình xịch”. Đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi, các tổ chức tín dụng đó lại đua nhau nâng lãi suất huy động lên đến 18-20%/năm để có tiền trả cho người gửi trước. Việc “quay vòng” nợ này đẩy lạm phát lên cao.
“Vậy nên khi NHNN đưa ra mức khống chế lãi suất huy động 14% vừa qua, nhiều ngân hàng cùng phản đối cho là nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp thị trường” – ông Thanh vẽ tiếp các hệ lụy, các ngân hàng “ôm” đất, không bán được, nợ xấu tăng lên. Con số báo cáo nợ xấu hiện khoảng 75.000 tỷ đồng, đại biểu nghi ngờ, thực tế còn cao hơn. 50% số nợ này, Bí thư thành ủy Đà Nẵng cho là đã ở diện không còn khả năng thu hồi.
Hạ nhiệt lạm phát, đại biểu cho rằng, cần tiến hành ngay việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý đây là việc nhạy cảm vì động chạm đến lợi ích nhóm, dễ gây hiện tượng đổ vỡ dây chuyền. Các giải pháp tháo gỡ theo đó phải làm sao như diệt sâu rầy trên ruộng lúa, loại bỏ được thiên địch mà không gây hại cho lúa, vẫn giữ cho những cánh đồng được mùa bội thu.
“Sự phát triển của nền kinh tế có đóng góp của ngành ngân hàng nhưng sự bất ổn cũng bắt đầu chính từ hệ thống ngân hàng yếu kém này” - đại biểu cảnh báo.
P.Thảo