1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phấn đấu năm 2020 xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD

(Dân trí) - Ngày 8/5, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020, do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Phấn đấu năm 2020 xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD - 1

Hội nghị về phát triển ngành tôm nước lợ tại Sóc Trăng ngày 8/5, dưới sự chủ trì của Bộ NN&PTNT.

Theo báo cáo từ các địa phương, diện tích tôm thả nuôi tính đến nay khoảng 481.534 ha (đạt 71,1% so kế hoạch 2020); ước sản lượng tôm nước lợ tính đến ngày 30/4 đạt hơn 168.000 tấn (đạt 21,7% so kế hoạch 2020). Kim ngạch xuất khẩu tôm các loại tính đến 31/3 đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,3% so cùng kỳ 2019).

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại dẫn đến sự sụt giảm về cầu nửa đầu năm 2020.

Cục Thú y cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020 có hơn 25.250 ha diện tích nuôi tôm của 19 tỉnh bị thiệt hại (tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ 2019), chủ yếu là không rõ nguyên nhân (chiếm trên 23.000 ha).

"Thời gian tới, khi vào mùa vụ thả tôm chính, nhiều địa phương và người nuôi tôm sẽ thả nuôi tôm nhiều, trong khi đó các bệnh nguy hiểm đã xảy ra tại một số vùng nuôi, mầm bệnh vẫn lưu hành rộng, kết hợp với biến đổi khí hậu tiêu cực, thời tiết giao mùa... thì nguy cơ diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh có thể tăng cao hơn, gây thiệt hại cho người nuôi tôm", Cục Thú y khuyến cáo.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa cuối năm 2019 xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 vừa nửa đầu 2019. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục.

Theo định hướng ngành tôm nước lợ trong năm 2020, diện tích nuôi tôm đạt 730.000 ha, sản lượng 830.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD (tăng từ 2% - 3% so với năm 2019).

VASEP đánh giá, thị trường tôm của Việt Nam vẫn là các nước truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… và một số thị trường mới như Nga, Ba Lan...

Phấn đấu năm 2020 xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD - 2

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành tôm là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam.

Theo VASEP, hiệp định thương mại EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 6/2020 có thể tạo kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU được nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với một số nước khác.

“Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường cao cấp rộng, đủ dư địa cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam lựa chọn các hệ thống phân phối thủy sản vừa tầm cung ứng của mình”, VASEP đánh giá.

Do dịch Covid-19, từ Tết Nguyên đán 2020 việc giao thương với Trung Quốc qua đường bộ bị đóng cửa, còn qua đường chính ngạch và đường biển cũng có ảnh hưởng. Ngoài ra, việc vận chuyển quốc tế ra thị trường quốc tế bị xáo trộn.

Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc là thị trường đông dân, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày một tăng, đây vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của các nhà cung cấp tôm Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các yêu cầu, quy định mới của nước này và có sự điều chỉnh phù hợp để duy trì xuất khẩu sang thị trường này.

Phấn đấu năm 2020 xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD - 3

Ngành tôm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng 3,5 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Để ngành tôm đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Thủy sản đề xuất lãnh đạo Bộ chỉ đạo đơn vị liên quan thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp; kiểm soát dịch bệnh và kiểm dịch trong xuất nhập khẩu; các địa phương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi, quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước; doanh nghiệp và người nuôi áp dụng các mô hình nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại... 

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, tổng diện tích thả nuôi tôm đạt hơn 705.500 ha; sản lượng thu hoạch đạt trên 823.850 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,36 tỷ USD. 

Năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường. Trong đó, top 10 thị trường nhập khẩu chính (chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam) gồm: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN, Thụy Sĩ.

Huỳnh Hải – Xuân Lương