Phải chấm dứt kiểu tiêu tiền vô tội vạ

Các ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước vay rất dễ dãi, vì đinh ninh có Nhà nước đứng đằng sau bảo trợ.

Cho nên người đi vay cũng chẳng cần lo làm sao sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất, người cho vay cũng không không lo mất nợ, vì họ tin túi tiền Nhà nước là “không đáy”.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng đã đưa ra quan điểm như trên, khi trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đầu tư ngoài ngành, dẫn đến thua lỗ, kinh doanh chủ yếu trên vốn vay và chiếm dụng, dẫn tới rủi ro cao. Vấn đề này cũng đã được Kiểm toán Nhà nước công bố trong báo cáo cuối tuần qua.

Có ý kiến cho rằng, việc vay vốn, chiếm dụng vốn quá dễ dãi thì việc đầu tư ngoài ngành, đầu tư dàn trải là hệ quả tất yếu. Quan điểm của bà như thế nào?

Một số nghiên cứu tài chính gần đây cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ thích vay ngân hàng, chứ họ không thích huy động vốn qua thị trường chứng khoán (IPO). Họ cũng không thích bắt tay với các quỹ đầu tư để tiếp nhận đầu tư hoặc bắt tay các đối tác chiến lược để được cung cấp thêm vốn và các phần khác có giá trị cao như khoa học, công nghệ…

Điều đó chứng tỏ các tập đoàn, tổng công ty khi khước từ các hình thức khác, họ muốn hình thức tín dụng là tương đối dễ và có lẽ kênh tín dụng của chúng ta lâu nay dành cho các tập đoàn kinh tế thường dễ dãi, không có sự kiểm soát ngặt nghèo như các kênh khác. Họ muốn né tránh kênh IPO bởi kênh này đòi hỏi ít nhất minh bạch báo cáo hàng năm hoặc sự giám sát của cổ đông. Các kênh khác cũng có đòi hỏi tương tự. Do vậy, họ không thích những nguồn tiền mà vừa có tiền, vừa nâng chất lượng quản trị cho họ. Đây là vấn đề rất lớn trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Bên cạnh việc sử dụng tỷ lệ vốn vay, vốn chiếm dụng cao, các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành rất lớn, dẫn đến thua lỗ và thất thoát tài sản nhà nước. Theo bà, trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm trước hết về các tập đoàn, tổng công ty nước, vì khi họ vay vốn và đầu tư ngoài ngành thường thuyết trình với các nơi cho vay hoặc cơ quan quản lý là sẽ có triển vọng tốt, mang lại nhiều lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Trước khi Nhà nước bắt đầu chấp nhận cho các tập đoàn, tổng công ty mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác, khi phản biện, tôi cũng không đồng tình với chiều hướng đó, nhưng không được vì đa số ý kiến đồng tình.

Khi quyết định như vậy, mọi người không thấy một điều, đã là DNNN và được Nhà nước giao hình thành nên một ngành để phát triển thì đó là ngành thiết yếu của nền kinh tế. DNNN không được biến vị thế của mình thành thứ để làm tràn lan, chèn ép các DN khác. Hơn nữa, khi họ mở rộng ra nhiều ngành thì họ không đủ năng lực để quản lý tốt. Ngay bản thân ngành nghề cốt lõi đã còn những vấn đề trong quản lý, giờ mở rộng ra thì họ sao kham nổi. Như vậy, rủi ro sẽ tăng thêm, kể cả lĩnh vực cốt lõi. Tất cả DN lớn trên thế giới đều nổi bật trên lĩnh vực cốt lõi của mình, trong một ngành nào đó, từ ngành của mình phát triển ra ngành khác, nhưng cũng chỉ xoay quan cái trục là thứ mà họ có thế mạnh, chứ họ không làm rộng như các DNNN của chúng ta.

Phải chấm dứt kiểu tiêu tiền vô tội vạ
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Lâu nay, các DNNN đã được cưng chiều quá đáng. Họ như những “đứa con hư”, lớn tướng lên rồi vẫn được chiều chuộng, muốn gì được nấy nên họ muốn làm đa ngành cũng được, khi nhận ra thì đã muộn, thất thoát nhiều thứ, làm cho DN yếu đi”.

Nhưng nói gì thì nói, DNNN cũng không thể tự tiện muốn làm gì thì làm, muốn đầu tư vào đâu và bao nhiêu cũng được?

Lâu nay, các DNNN đã được cưng chiều quá đáng. Họ như những “đứa con hư”, lớn tướng lên rồi vẫn được chiều chuộng, muốn gì được nấy nên họ muốn làm đa ngành cũng được, khi nhận ra thì đã muộn, thất thoát nhiều thứ, làm cho DN yếu đi. Ví dụ như điện, nếu chúng ta tập trung đầu tư vào điện xuyên suốt, đừng làm viễn thông thì đã không mất mấy ngàn tỷ đồng, để lúc nào cũng kêu thiếu vốn, bắt xã hội phải trả thêm… Đây cũng là cách Nhà nước cưng chiều quá mức, không có sự giám sát liên tục đối với DNNN.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng cho DNNN vay rất dễ dãi, vì đinh ninh có Nhà nước đứng đằng sau bảo trợ, nên DN không trả được thì có Nhà nước trả nợ thay. Cho nên người đi vay cũng chả cần lo làm sao sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất, không lo bị siết nợ, người cho vay cũng không lo mất nợ, vì biết rằng có người khác trả nợ thay, họ tin túi tiền Nhà nước là vô tận.

Hiện Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 132 về quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó sẽ giao thêm quyền cho các Bộ chuyên ngành quản lý. Bà kỳ vọng gì vào vấn đề này?

Việc giao Bộ nào cũng đòi hỏi bản thân các cơ quan nhà nước, các Bộ nói chung phải tăng cường trách nhiệm của mình, trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, các thứ trưởng trực tiếp phân công theo dõi các tập đoàn… Nếu không có chế độ trách nhiệm rõ ràng, không có chế tài khi không thực hiện việc giám sát các tập đoàn, DNNN thì có giao cho Bộ nào cũng không ăn thua. Trừ phi có những chế tài thật nghiêm, ràng buộc đến chức vụ của họ, họ phải cùng DN bồi thường cho những chuyện mất mát, thua lỗ của DN được phụ trách mới được.

Yêu cầu tập đoàn, tổng công ty chấm dứt đầu tư ngoài ngành

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 929 Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.

Theo quyết định này, Thủ tướng yêu cầu từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trình Đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong Quý III.2012. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính và chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015. (M.Đồng)
 
Theo Mạnh Đồng
Đất Việt