Phải biết “ăn trộm trơ trẽn”!
Tựa bài là một lời khuyên nổi tiếng của ông Sam Walton, người sáng lập hệ thống siêu thị Wal-Mart, cho bộ máy của ông, rằng phải thường xuyên lui tới cửa hàng các đối thủ để “ăn cắp” ý tưởng. Cần biết doanh số Wal-Mart ở Mỹ hàng năm là 312 tỉ USD!
"Chó sói đang tới!"
Mười năm trước, Wal-Mart đến Trung Quốc và khi họ mở cửa hàng đầu tiên ở Thẩm Quyến, một tờ báo địa phương đã báo động bằng hàng tít lớn như trên. "Chó sói" Wal-Mart đến nay mới mở có 56 siêu thị ở Trung Quốc, còn thua kém Carrefour (Pháp), nhưng kinh nghiệm cạnh tranh ở Trung Quốc đủ cho Wal-mart có nhiều chiêu ma quỷ để tiến vào thị trường Ấn Độ trong tương lai gần.
Ở Ấn, các công ty bán lẻ nước ngoài không được phép đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bán lẻ, nhưng Wal-mart đang vận động hành lang để thay đổi quy định này. Joe Hartfield, CEO của Wal-Mart châu Á, người khai trương Wal-Mart ở Trung Quốc năm 1994 nay đang điều khiển cuộc "tiến chiếm" thị trường Trung Quốc.
Ông hiểu hơn ai hết vì sao Wal-Mart thua Carrefour ở Trung Quốc. Vì Carrefour bám sát thị hiếu người tiêu dùng ở đó hơn.
Ăn trộm ở Trung Quốc để vào Ấn Độ
Hartfield vừa hé lộ vài ý tưởng xây dựng siêu thị ở Ấn Độ. Diện tích sẽ nhỏ hơn ở Trung Quốc, chỉ cần tối đa 13.000m 2 thay vì hơn 19.000m 2 như ở Mỹ, Trung Quốc và tìm địa điểm là quan trọng nhất.
Với chính sách hiện nay của Ấn Độ và tình hình giá đất thật đắt ở đô thị lớn, lại thêm mạng lưới 97% thị trường bán lẻ là các tiệm góc phố rất vững mạnh, Wal-Mart đang lobby mạnh cho việc tìm địa điểm (xem ra ở Ấn lại khó hơn ở Việt Nam, dù mọi yếu tố giống nhau, vậy mà Metro "tài giỏi" vẫn lấy được địa điểm ngay trung tâm nhiều đô thị lớn. Ta còn "thoáng" hơn Ấn).
Trong khi Wal-Mart đang chuẩn bị áp dụng các kinh nghiệm hay từ Trung Quốc để vào Ấn, các công ty tư vấn về mạng lưới phân phối ở Ấn Độ tại Mumbai đang ráo riết chỉ dẫn cho chủ các điểm bán lẻ ở Ấn Độ cạnh tranh với... Wal-Mart.
Đừng lo, nạn kẹt xe sẽ khiến cho người tiêu dùng chọn các cửa hàng góc phố tiện lợi hơn và hãy nhận đặt hàng qua điện thoại rồi giao hàng tận nhà thật chóng vánh cho khách hàng chung quanh khu phố. Kiểu đó thì Wal-Mart khó mà cạnh tranh. Cần nhất là thay đổi nhanh dịch vụ khách hàng.
Xem ra bài học Wal-Mart chuẩn bị áp dụng ở Ấn Độ và cả chiêu đối đầu của các điểm bán lẻ nhỏ bé đều đắc dụng ở Việt Nam?
Theo Nguyễn Thuỳ Mai
SGTT/Business Times